Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 08/01/2025 23:11 (GMT +7)
Nhạc sĩ Văn Cao với tuyệt phẩm Mùa xuân đầu tiên
Thứ 6, 16/02/2018 | 17:49:00 [GMT +7] A A
Nhạc sĩ Văn Cao (quê ở Vụ Bản, Nam Định), sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng. Thuở nhỏ Văn Cao học tại trường Bonal (nay là trường Trung học phổ thông Ngô Quyền), sau chuyển sang trường Saint-Joseph. Ông từng làm nhân viên Sở Bưu điện Hải Phòng, bắt đầu sáng tác thơ, viết văn xuôi và viết ca khúc từ năm 1939.
Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác không nhiều (khoảng 50 ca khúc) nhưng hầu hết các tác phẩm đều ở lại rất lâu trong lòng người yêu nhạc. Trong gia tài âm nhạc của ông, “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành một tuyệt phẩm. “Mùa xuân đầu tiên” cũng ghi nhận sự “hồi sinh” trong tâm hồn người nghệ sĩ Văn Cao sau nhiều năm không sáng tác ca khúc.
Kể lại những ngày cha mình sáng tác ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, con trưởng nhạc sĩ Văn Cao là họa sĩ Văn Thao cho biết: “Cho đến lúc giải phóng miền Nam thì niềm vui vỡ òa, niềm vui đó bây giờ không thể tả lại hết được. Mọi người vui mừng nhảy nhót ngoài phố, mừng ngày đất nước được thống nhất.
Những người bạn của cha tôi cũng thế, đặc biệt là những người bạn miền Nam tập kết như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thế, Trương Quang Lục, họa sĩ Nguyễn Sáng… Hẳn cha tôi cảm nhận cái mừng rất lớn của cả dân tộc, trong đó có những người bạn mình, cái mừng của người con xa quê, xa vợ xa chồng bao nhiêu năm giờ đây có thể gặp lại vợ con, thăm lại quê hương.
Những ngày đó cha tôi vui lắm, nhưng sau những phút vui đó tôi vẫn thấy cái trầm lắng, tôi hiểu rằng ông đang ấp ủ một điều gì đó. Cha bảo tôi: Trong tình hình thế này, bố phải sáng tác một bài gì đó”.
Một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), mùa xuân đầu tiên của đất nước sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp, khi đến thăm cha mình, họa sĩ Văn Thao ngạc nhiên vô cùng khi thấy cha ngồi bên cây đàn dương cầm. Sau một thời gian dài vắng bóng, kể từ sau khi viết “Tiến về Hà Nội” (năm 1948) nhiều người những tưởng Văn Cao đã khép lại công việc sáng tác ca khúc. Nhiều năm sau đó, ông làm thơ, viết khí nhạc, vẽ minh họa để kiếm sống.
“Lâu lắm rồi tôi mới chứng kiến ông ngồi bên cây đàn piano đã cũ, nhiều nốt đã phô. Ông say sưa và một giai điệu valse rất nhẹ nhàng, đẹp vang lên trong căn phòng nhỏ trên gác hai ở 108 Yết Kiêu, Hà Nội.
Khi viết xong bài hát, cha bảo với tôi: Bố sẽ đặt tên bài hát đó là “Mùa xuân đầu tiên”. Đối với bố, cả cuộc đời đi theo cách mạng, trải qua rất nhiều thăng trầm vui có buồn có nhưng cái đích cuối cùng để bố đi theo đã hoàn thành. Đất nước đã được thống nhất, đối với bố đấy mới là mùa xuân đầu tiên. Hôm nay mùa xuân đó đã đến với bố, đến với dân tộc. Có lẽ bố sẽ phải sớm cùng mẹ con vào Nam để tìm lại bác con (cha tôi có một người chị từ trước cách mạng đã vào đấy và lấy chồng)”.
“Mùa xuân đầu tiên” đã ra đời với giai điệu valse nhẹ nhàng, dìu dặt khiến lòng người trở nên thư thái, ngẫm ngợi, rung lên những cung bậc xúc cảm chân thành, dung dị về một mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước, của dân tộc:
“Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy, đang đến đầu tiên…”
Nói về mùa xuân, với Văn Cao là một mùa xuân cực kỳ bình dị “ với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”, là “một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”. Một bức tranh thanh khiết, trong sáng, in đậm nét thiên nhiên của làng quê Việt Nam với những thanh âm quen thuộc, gần gũi.
Mùa xuân đầu tiên ấy, với Văn Cao, bên cạnh niềm vui lớn của toàn dân tộc, là giọt nước mắt ấm áp ngày hội ngộ: “nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh”.
Cũng mùa xuân ấy, nhạc sĩ Văn Cao và vợ là bà Nghiêm Thúy Băng đã vào miền Nam thăm lại bạn bè. Anh em nhạc sĩ trong đó tổ chức một đêm văn nghệ mừng hai vợ chồng nhạc sĩ và “Mùa xuân đầu tiên” cũng đã được hát lên.
Nhưng phải đến gần hai mươi năm sau, khi nhạc sĩ Văn Cao đã mất thì “Mùa xuân đầu tiên” mới đến với công chúng một cách rộng rãi. Người ta đã chứng kiến sức lan tỏa mãnh liệt của ca khúc này, như thể không có gì có thể cưỡng lại được.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha gọi cố nhạc sĩ Văn Cao là “trời cho”. Không chỉ riêng với “Tiến quân ca” là Quốc ca của nước Việt Nam, những sáng tạo âm nhạc của Văn Cao tuy không nhiều nhưng hầu hết đều nổi tiếng và được đón nhận nồng nhiệt, khẳng định giá trị qua nhiều thời gian.
Từ ca khúc đầu tiên “Buồn tàn thu” Văn Cao sáng tác năm 1939, rồi lần lượt cho ra đời: Cung đàn xưa (1940), Thiên Thai (1941), Bến xuân (1942), Suối mơ (1943), Tiến quân ca (1944), Đàn chim Việt (chuyển từ Bến xuân- năm 1946), Làng tôi (1947), Trường ca sông Lô (1947), Tiến về Hà Nội (1948)… đã khẳng định tài năng thiên phú của Văn Cao.
Năm 1975, khi đất nước được giải phóng, nhạc sĩ của Quốc ca Việt Nam tự nhận thấy rằng ông phải có trách nhiệm viết một cái gì đó để “khép lại” cuộc chiến đấu đã kéo dài trong nhiều năm của dân tộc.
“Bằng cảm hứng khép lại như thế, và cũng phải có tầm cỡ như vậy nên “Mùa xuân đầu tiên” đã được Văn Cao sáng tác mang cảm hứng của nhân loại”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận định (Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cùng quê với tác giả của Quốc ca; nhiều năm gắn bó thân thiết, nghiên cứu rất kỹ về cuộc đời và sự nghiệp của “bậc tài danh thế kỷ” Văn Cao. Năm 2017, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ra mắt bộ sách “Những tài năng âm nhạc Việt Nam” – Nhà xuất bản Văn học, trong đó có tập sách về nhạc sĩ Văn Cao- PV)
Một điều rất đặc biệt là ca khúc này ngay sau khi ra đời đã được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng số Xuân Bính Thìn. Nhà xuất bản Âm nhạc Matxcơva cũng dịch ra tiếng Nga và in ngay. Tuy nhiên, “Mùa xuân đầu tiên” lại có một đời sống rất “chuân chuyên” trong số các tác phẩm của Văn Cao. Phải mất rất nhiều năm sau đó ca khúc này mới đến được với công chúng một cách rộng rãi và ngày càng lan tỏa mãnh liệt.
Khi sáng tác ca khúc “Tiến về Hà Nội” năm 1949 (năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp chiến thắng, quân và dân ta từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội – PV), Văn Cao bị cho rằng “cầm đèn chạy trước ô tô”, “lạc quan tếu”. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến ông trong suốt những năm tháng sau đó. Đó cũng là một trong các lý do vì sao trong nhiều năm sau đó Văn Cao tạm gác việc sáng tác ca khúc.
“Từ sau năm 1958, tất cả các tác phẩm của Văn Cao viết ra không được trình diễn, trừ bài Dưới cờ giải phóng (1963) viết theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Hiếu là Chủ tịch mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thì được thu thanh và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam khoảng vài lần”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết.
Bên cạnh đó, vào thời điểm ấy, “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao bị coi là “lạc điệu” với hầu hết bài hát lúc bấy giờ như “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách… Trong không khí của ngày miền Nam giải phóng, non sông thu về một mối, niềm vui như vỡ òa; những ca khúc sáng tác cùng thời điểm đều mang âm hưởng hào hùng, ngợi ca với tiết tấu mạnh, khỏe, vui mừng đã át đi giai điệu của “Mùa xuân đầu tiên”.
Chín năm sau, năm 1985, khi Tỉnh ủy Nghĩa Bình mời nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha sáng tác cho tỉnh nhân 10 năm giải phóng, ca khúc này đã xuất hiện. Năm 1988, Nhà xuất bản Trẻ đề nghị in một tập nhạc của Văn Cao (do Nguyễn Thụy Kha biên tập), đó là tập Thiên Thai thì “Mùa xuân đầu tiên” cũng đưa đưa vào để in. Nhưng bài hát này cho đến thời điểm đó vẫn không ai biết đến.
Trong một bộ phim ca nhạc về Văn Cao được dựng năm 1990, bài hát được đưa vào trong cảnh Văn Cao về thăm quê qua giọng hát của ca sĩ Quốc Đông. Năm 1993, một chương trình khác được tổ chức mang tên “Văn Cao – Một đồng hành với tuổi trẻ” (nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tổ chức và dẫn chương trình), ca sĩ Minh Hoa (Nhà hát Quân đội) đã hát bài hát này rất hay, nhưng “Mùa xuân đầu tiên” vẫn chìm trong “im lặng”.
Nhạc sĩ Văn Cao mất năm 1995. Năm 1996, nhóm Tam ca áo trắng đã thể hiện bài hát này, đặc biệt là khi đạo diễn Đinh Anh Dũng làm phim về Văn Cao, trong phim “Mùa xuân đầu tiên” đã được ca sĩ Thanh Thúy thể hiện rất thành công, thì bài hát lập tức loang ra và đã đến lúc không thể cưỡng được nó tràn ra, bây giờ trở thành một trong những bài hát về mùa xuân hay nhất.
“Như vậy, kể từ lúc sáng tác năm 1976, đúng hai mươi năm sau “Mùa xuân đầu tiên” mới xuất hiện rộng rãi trước công chúng và lập tức trở thành cổ điển, đó là một khúc khải hiền rất đẹp”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khẳng định.
Và cứ thế, bài hát “bay ra”, được nhiều người đón nhận. Như thể, sau tất cả những cái vui mừng, ồn ào rực rỡ qua đi thì con người ta phải lắng lại để trở về cuộc sống bình thường. Giai điệu của “Mùa xuân đầu tiên” cứ thế thấm vào tâm can, tâm hồn mỗi người: “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”, “… Ôi ngày ấy yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên”, “ôi ngày ấy, một cuộc đời êm ấm”.
Từ đó đến nay, “Mùa xuân đầu tiên” đã có một đời sống thực sự, một giá trị thực sự. Có thể lý giải vì sao “Mùa xuân đầu tiên” cũng như các sáng tác của Văn Cao lại có sức sống bền lâu như vậy.
“Cha tôi sáng tác nhạc không nhiều vì ông còn làm thơ, viết văn, vẽ. Ông từng tâm sự với tôi: Bố viết một bài hát, hay bài thơ, hay vẽ một bức tranh thì phải có cảm xúc thực sự. Trong con người mình phải khao khát sáng tạo, cảm thấy cần phải vẽ , cần phải có nét nhạc bay lên thì mới sáng tác”, họa sĩ Văn Thao kể.
Và quả thật, sáng tác xong rồi, Văn Cao không bao giờ “tung” bài hát ra ngay. Ông hiểu lẽ thường, tâm lý con người khi “đẻ” ra một đứa con đều cảm thấy con mình đẹp, con mình hay, nên phải để cho nó lắng đi. Vì vậy, Văn Cao thường đem cất các bản nhạc, một thời gian sau lấy ra xem lại còn có cảm xúc rung động không. Nếu vẫn thấy trái tim mình rung lên những cung bậc cảm xúc thì mới cho mọi người nghe hoặc xuất bản.
Đây cũng chính là cách làm việc trách nhiệm và đầy cẩn trọng của Văn Cao. Điều này hoàn toàn đúng với cách “ứng xử” của Văn Cao với chính tác phẩm của mình, trong đó có “Mùa xuân đầu tiên”.
Năm 1985, tác giả của Tiến quân ca lấy trong tủ bài hát Mùa xuân đầu tiên đã phủ bụi ra nói với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: – Đây, bài này viết năm 1976, mà tôi phải bỏ trong tủ Kha ạ. Lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã thốt lên: – Trời ơi, sao lại hay đến vậy, quá hay. Bài này hay thế mà sao không đưa ra? Văn Cao bảo, đó là số phận.
Đúng là “Mùa xuân đầu tiên” đã có một số phận của riêng nó, cũng như nó đã góp phần làm nên số phận của Văn Cao, một “bậc tài danh thế kỷ” trong nền âm nhạc Việt Nam. Cho đến bây giờ, những giai điệu đẹp, dìu dặt của bài hát, sức sống và sự lan tỏa của ca khúc đã khẳng định giá trị vĩnh viễn. “Mùa xuân đầu tiên” ngày càng được nhiều công chúng ưa thích, trở thành bài hát không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. “Mùa bình thường” ấy luôn đẹp và chắc chắn sẽ mãi ở lại trong lòng người, với con người và với mùa xuân đất nước.
Bài: Xuân Phong
Trình bày: Trần Thắng
Ý kiến ()