Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 16/11/2024 02:46 (GMT +7)
Nhiễm khuẩn bệnh viện: Nguy cơ phát tán vi khuẩn kháng thuốc
Thứ 5, 07/12/2017 | 15:00:00 [GMT +7] A A
Vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam đang ở mức báo động và nghiêm trọng hơn khi vi khuẩn kháng thuốc ngày càng phổ biến, khiến cho việc điều trị nhiễm khuẩn trở nên khó khăn, kéo dài ngày hơn, tăng chi phí điều trị.
Báo Tin tức có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.
Thưa PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, trong số các trẻ sơ sinh chuyển từ bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lên tuyến trên vừa qua đã có nhiều trẻ được xác định bị nhiễm trùng huyết và có sự xuất hiện của vi khuẩn đa kháng thuốc. Vậy phải chăng vi khuẩn kháng thuốc đang xuất hiện phổ biến tại các bệnh viện và ngày càng nguy hiểm?
Với việc sử dụng kháng sinh tràn lan, thiếu kiểm soát, vi khuẩn kháng thuốc đang xuất hiện ngày càng nhiều, rất nhiều người mang vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng. Hiện nay, ở Việt Nam, tình trạng kháng thuốc đang ở mức báo động, các loại vi khuẩn kháng thuốc gây khó khăn lớn trong việc điều trị bệnh.
Dù xuất hiện ở nhiều nơi nhưng trong môi trường đặc biệt như bệnh viện, các loại vi khuẩn, nhất là vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi bệnh viện là nơi hàng ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân, nhiều loại bệnh, lại là môi trường kín nên thường có mật độ vi khuẩn cao hơn, thậm chí ở các bệnh nhân nặng còn có rất nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm có thể phát tán ra bên ngoài. Đặc biệt, vi khuẩn kháng thuốc còn có khả năng lây truyền như các vi khuẩn gây bệnh thông thường. Chẳng hạn, trên người bệnh nhân mang vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc thì chỉ qua việc bắt tay, tiếp xúc với người khác đã có thể lây truyền cho nhau; thậm chí nhiều bệnh chỉ cần nói chuyện đã có thể lây truyền.
Vì thế, bệnh viện là nơi dễ tích tụ các loại vi khuẩn ở trong không khí, ở chính trên người bệnh, thậm chí vi khuẩn có thể bám trên các máy móc, thiết bị, đồ dùng… Trong khi đó, việc khử trùng các máy móc, thiết bị không phải là điều dễ dàng nên khả năng tích tụ, lây lan càng mạnh.
Theo ông, nguy cơ của nhiễm khuẩn bệnh viện là từ đâu? Nơi nào trong bệnh viện thường xảy ra nhiễm khuẩn nhất?
Nơi nào càng sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại thì nguy cơ nhiểm khuẩn bệnh viện càng cao, nhất là các đơn vị điều trị tích cực có sử dụng các biện pháp can thiệp như: Phẫu thuật, tiêm, truyền, đặt ống dẫn, lọc máu… Các kỹ thuật phải xâm nhập, đặt các dụng cụ vào người, tác động vào mạch máu, đi qua da… dù có tuân thủ quy trình nghiêm ngặt đến mức nào thì cũng không tránh khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn. Thường các loại vi khuẩn khi còn khu trú trên da bệnh nhân thì chưa gây bệnh nhưng khi có cơ hội xâm nhập vào cơ thể theo đường tiêm, truyền, đặt ống… thì sẽ dễ dàng gây bệnh.
Tuy nhiên, nhiều khi, để cứu chữa người bệnh, các bác sĩ buộc phải chấp nhận nguy cơ nhiễm khuẩn khi tiến hành các biện pháp can thiệp. Như trong nhiều trường hợp, nếu không lọc máu thì bệnh nhân sẽ chết trước khi nhiễm khuẩn hoặc khi tim bệnh nhân đã ngừng đập, bắt buộc bác sĩ phải luồn ống vào mạch máu đến tim để sốc điện thì tim mới đập trở lại để cứu sống bệnh nhân trước…
Không một bệnh viện nào trên thế giới không có nhiễm khuẩn bệnh viện. Dù hết sức phòng tránh và cố gắng giảm tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện xuống nhưng tỷ lệ này cũng không thể bằng không. Kể các nước hiện đại, được đầu tư hệ thống khử khuẩn tốt cũng vẫn có nhiễm khuẩn bệnh viện nhưng với tỷ lệ thấp hơn vì họ có nhiều biện pháp chặt chẽ hơn, nhiều thiết bị khử khuẩn tốt hơn.
Ông đánh giá như thế nào về việc xử lý nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay? Vì sao đây lại là vấn đề khó giải quyết?
Việc phòng và xử lý nhiễm khuẩn tại bệnh viện khó khăn hơn nhiều so với các môi trường khác. Nếu trong môi trường như nhà ở, văn phòng… chỉ cần mở cửa sổ thông thoáng, có nắng chiếu vào là có thể làm bay các loại vi khuẩn ra khỏi phòng. Nhưng đặc thù của bệnh viện là môi trường kín, thiếu ánh sáng, thiếu nắng thì việc diệt khuẩn tự nhiên là rất khó khăn, không thể mở cửa thông ra được khi bệnh nhân đang nằm trong phòng. Vấn đề tiệt trùng trong phòng bệnh ở bệnh viện cũng khó khăn hơn. Các bệnh viện phải định kỳ tiệt trùng môi trường phòng bệnh, trang thiết bị… nhưng khi thực hiện lại phải chuyển hết bệnh nhân ra ngoài hoặc nếu sử dụng các hóa chất diệt khuẩn thì cũng chỉ được sử dụng các hóa chất ít độc hại hơn, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Trên thế giới hiện nay, nguyên lý chung để chống nhiễm khuẩn bệnh viện đều giống nhau. Đơn cử như quy định về môi trường trong phòng bệnh phải sạch sẽ, ít vi khuẩn hoặc có những phòng phải tuyệt đối không có vi khuẩn. Có những phòng chỉ cần hạn chế vi trùng đã là đạt nhưng có những phòng bệnh cần điều kiện vô trùng tuyệt đối như các phòng ghép…
Để trang bị cho những phòng vô trùng tuyệt đối là vô cùng tốn kém, phải đầu tư rất nhiều tiền. Thậm chí, ở những bệnh viện hiện đại trên thế giới, họ có thể đầu tư cho những phòng ghép tủy đạt tiêu chuẩn là phòng vô trùng áp lực cao, khi mở cửa ra, không khí bên ngoài không thể tràn từ ngoài vào được, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài. Để trang bị được những loại phòng như vậy phải mất hàng tỷ tỷ đồng, mỗi bệnh viện chỉ cần 1, 2 phòng như vậy là đã là quá tốn kém. Với điều kiện như nước ta hiện nay thì chưa thể có đủ để đầu tư như vậy.
Vậy làm thế nào để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, thưa Phó giáo sư?
Nếu nói muốn chống nhiễm khuẩn bệnh viện cần phải đầu tư một nguồn tiền rất lớn thì những bệnh viện nghèo khó có thể làm được. Tuy nhiên vẫn có thể thực hiện được một cách hiệu quả bằng cách sử dụng các biện pháp đơn giản, rẻ tiền nhưng vẫn khắc phục ở mức tương đối. Ví dụ như việc tuân thủ rửa tay đúng quy trình đối với cán bộ y tế vẫn là quan trọng nhất, vì đôi tay của nhân viên y tế là nơi tiếp xúc trực tiếp với các nguồn lây bệnh. Thống kê trên thế giới cho thấy, nếu nhân viên y tế và thầy thuốc thực hiện triệt để việc rửa tay trước khi khám cho bệnh nhân nặng thì sẽ góp phần giảm rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng trong bệnh viện.
Tuy nhiên, văn hóa rửa tay ở nước ta vẫn còn thấp, hoặc ở nhiều cơ sở y tế, điều kiện rửa tay vẫn chưa thuận tiện như: Nhiều nơi không có bồn rửa tay trong phòng bệnh, nơi rửa tay ở xa, thậm chí không có nước… thì không thể bảo đảm thực hiện tuyệt đối. Bên cạnh đó vấn đề nước sạch trong bệnh viện cũng phải được đảm bảo. Nước rửa tay mà có vi khuẩn thì việc rửa tay cũng không thể hiệu quả. Thậm chí, nước chạy vào các phòng mổ phải là nước đã lọc qua hệ thống khử khuẩn, không phải bệnh viện nào cũng có thể đảm bảo thực hiện tốt. Các bệnh viện phải kiểm soát được từ những chi tiết nhỏ đó mới có thể đảm bảo kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện.
Tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, mỗi phòng bệnh đều được lắp một máy khử trùng không khí ngay cửa ra vào để tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào và trong phòng bệnh; mỗi giường bệnh đều được trang bị một chai nước rửa tay khử trùng cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà sử dụng… Những biện pháp này rất tốn kém và không tạo nguồn thu nhưng bệnh viện vẫn phải làm để đảm bảo hạn chế tối đa nhiễm khuẩn, an toàn cho bệnh viện và bệnh nhân.
Để kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, cần sự chung tay của mọi người, nhưng thầy thuốc và điều dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất, họ không chỉ phải tự thực hiện triệt để, nghiêm ngặt các quy trình mà còn phải quan sát và là người đề nghị với ban giám đốc để quan tâm hơn đến vấn đề này. Ví dụ khi thấy nghi ngờ chất lượng nước hoặc có vấn đề gì, phải đề nghị ngay với lãnh đao bệnh viện để kiểm tra, xử lý kịp thời.
Việc khử trùng giường bệnh viện cũng phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Bên cạnh đó, còn phải chú ý tới việc diệt chuột, gián, các loại côn trùng trong bệnh viện để hạn chế nguồn lây các bệnh truyền nhiễm.
Người bệnh và người nhà bệnh nhân phải thực hiện các quy định vệ sinh khi đến bệnh viện chăm sóc, thăm hỏi bệnh nhân như: Rửa tay sạch trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, vệ sinh đồ ăn, vứt rác đúng nơi quy đinh, không đến thăm bệnh nhân khi nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm…
Xin cảm ơn Phó giáo sư!
Ý kiến ()