Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:35 (GMT +7)
Nhiều bệnh dễ ‘rước’ vào người khi đi bơi mùa nắng nóng
Thứ 6, 21/04/2017 | 15:19:00 [GMT +7] A A
Vào những ngày nắng nóng, phụ huynh thường có xu hướng đưa trẻ đi bơi. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận trong việc lựa chọn bể bơi và thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước và sau khi bơi, trẻ dễ “rước” nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Những bệnh thường gặp khi đi bơi
Bơi lội là một trong những hoạt động bổ ích, tuy nhiên khi tham gia bơi lội trẻ nhỏ thường dễ mắc nhiều loại bệnh do chất gây ô nhiễm trong các hồ bơi, đặc biệt là những hồ bơi ngoài trời. Các tác nhân gây bệnh có mặt trong hồ bơi thường là các lọa vi vút, vi khuẩn, động vật nguyên sinh và nấm.
Theo bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, bệnh do các vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút lây lan trong nguồn nước ở hồ bơi là đau mắt đỏ (viêm kết mạc), viêm mũi, viêm tai, viêm họng, tiêu chảy, nấm da…
“Còn các bệnh do hóa chất bể bơi gây ra thường dị ứng da (ngứa hoặc nổi mẩn trên da), hen suyễn do hít khí clo, đen da, bỏng da do nắng gắt cộng với hóa chất trong bể bơi, khô da, khô tóc…”, bác sĩ Nhân cho biết thêm.
Trẻ dễ “rước” bệnh vào người nếu không thực hiện các biện pháp an toàn khi bơi.
Không chỉ có trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng dễ mắc phải những loại bệnh trên khi đi bơi. Điển hình vừa qua, tại phòng khám tai mũi họng bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh số lượng người bệnh đến khám bệnh viêm tai ngoài do đi bơi nhiều tăng đột biến, trung bình hơn 100 ca/ngày.
Bên cạnh đó, còn nhiều loại bệnh khác cũng “rình rập” nếu bơi không đúng cách, như bị cảm khi tập luyện quá lâu dưới trời nắng gắt; cảm giác ngon miệng sau khi bơi gây béo phì; ăn no trước khi bơi dẫn đến choáng váng, chuột rút… do máu dồn đến dạ dày để tiêu hóa thức ăn, làm cho lượng máu đến não thiếu hụt gây choáng, mất kiểm soát; nằm điều hòa sau khi bơi gây bệnh tim, huyết áp do nhiệt độ hạ đột ngột, ảnh hưởng đến lưu thông máu. Các bệnh này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em.
Những lưu ý khi đi bơi
Để bảo vệ được sức khỏe sau khi đi bơi, bác sĩ Lê Văn Nhân cho biết, trước khi đi bơi phụ huynh cần phải trang bị đầy đủ phụ kiện bơi cho trẻ như nón bơi, kính bơi, kẹp mũi, bịt tai, bôi kem chống nắng… Để tránh được các loại bụi bẩn và làm cơ thể quen với nhiệt độ trước khi xuống hồ cần phải tắm tráng. Tắm gội ngay sau khi đi bơi bằng nước thường và xà bông nhằm loại bỏ chất bẩn và hóa chất của nước hồ bơi. Nhỏ mắt, mũi, tai, súc họng sau khi bơi bằng dùng dung dịch nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm từ nước hồ bơi.
Nên chọn hồ bơi có độ sâu phù hợp với trẻ để có thể dễ dàng quan sát trẻ khi bơi.
“Không nên ăn quá no trước và sau khi đi bơi, chỉ nên ăn nhẹ sau khi đi bơi, nên ưu tiên các món ăn chế biến từ rau, củ, quả thay vì các món ăn chế biến từ đạm, chất béo, tinh bột, đồ ăn nhanh. Cũng như các hoạt động thể thao khác, trước và sau khi bơi nhớ phải bổ sung lượng nước, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Không nằm điều hòa ngay sau khi bơi và không bơi quá lâu dưới trời nắng gắt”, bác sĩ Nhân cho biết thêm.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, chọn hồ bơi là việc khá khó. Phụ huynh nên chọn hồ bơi có kiểm định của Trung tâm Y tế dự phòng về an toàn và vệ sinh. Khi chọn hồ bơi không quá đông người. Khi bơi nên trang bị đầy đủ mắt kính, nút bịt tai. Sau bơi, nên tắm lại bằng nước sạch và xà phòng ngay, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý. Không ngoáy tai liền vì sẽ làm xây xát tai.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nhân cũng cho biết, nên chọn hồ bơi có độ sâu phù hợp với trẻ để có thể dễ dàng quan sát trẻ khi bơi. Hơn nữa, những hồ bơi quá đông sẽ càng có nhiều các chất ô nhiễm cũng như các vi sinh vật gây bệnh. Chọn bể bơi có chất lượng nước sạch, trong ít nhất là về mặt cảm quan chấp nhận được, đừng ngại các bể bơi có mùi thuốc tẩy vì đây chính là chất khử trùng bảo vệ các em không bị xâm nhập bởi các vi khuẩn trong nguồn nước.
Ngoài ra, bể bơi phải có nhân viên cứu hộ cũng như các thiết bị an toàn như phao cứu sinh, sào cứu hộ, dây phao, bảng biểu chỉ dẫn độ sâu… Hồ bơi có trang bị bồn nhúng chân trước khi xuống hồ hoặc khu vực tắm tráng trước khi xuống hồ bơi.
“Không cho trẻ xuống hồ trường hợp trẻ có bệnh ngoài da, tiêu chảy, đau mắt đỏ hoặc các bệnh lý không phù hợp với hoạt động bơi lội”, bác sĩ Nhân lưu ý thêm.
Ý kiến ()