Tất cả chuyên mục

Thời gian tới, đồng bằng sông Cửu Long nhận được nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội.
Thông tin trên được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tại văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ về chính sách ưu tiên thúc đẩy sự phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Văn bản nêu, là vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước, tuy nhiên, thời gian qua, đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là: Tác động của biến đổi khí hậu gây ra thiên tai bão, lốc xuất hiện thường xuyên hơn cả về tần suất và mức độ; việc phụ thuộc vào các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công trong việc quản lý khai thác tài nguyên nước, lượng nước và phù sa trên sông Mê Công bị suy giảm dẫn tới tình trạng khô hạn kéo dài, triều cường, xâm nhập mặn vào sâu; việc quản lý sử dụng tài nguyên thiếu bền vững làm cạn kiệt tài nguyên rừng, thiếu rừng phòng hộ che chắn nên lũ từ thượng nguồn đổ về, càn quét mạnh, khai thác cát sỏi lòng sông thiếu bền vững làm thay đổi dòng chảy, liên kết đất ven sông, suối thiếu ổn định, tác động trực tiếp vào các đoạn đê, kè sông, suối gây sạt lở nhiều và nghiêm trọng hơn việc chuyển đổi các đai rừng ven biển để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản tràn lan, thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu một lớp “đê mềm” có tác dụng giảm tác động của áp thấp nhiệt đới, bão, sóng biển cho lớp “đê cứng” bên trong cũng là nguyên nhân gây ra sạt lở bờ biển, mất đất sản xuất ven biển, xâm nhập mặn gia tăng…
Ngày 21/5/2018, sạt lở nghiêm trọng đã nhấn chìm 5 căn nhà và đe dọa hàng chục ngôi nhà khác của người dân trên tuyến sông Ô Môn thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Những thách thức này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng, đe dọa đến các mục tiêu phát triển bền vững đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ và ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn và các giải pháp căn cơ, bài bản nhằm đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng.
Nhằm giải quyết các vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long căn cơ, bài bản, kết hợp giữa các biện pháp trước mắt và các giải pháp lâu dài, tại Công văn số 13449/VPCP-NN ngày 18/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết, dự kiến sẽ ban hành vào Quý III năm 2018.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết chủ động ban hành Kế hoạch chi tiết, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; chủ động bố trí kinh phí để thực hiện; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc triển khai thực hiện để đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực huy động từ doanh nghiệp xây dựng các tuyến đê mềm để mở rộng đất đai, kết hợp phát triển kinh tế. Về cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp ủy và chính quyền địa phương thống nhất quyết định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, bảo đảm đúng quy định trên tinh thần có lợi cho Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư.
Các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động triển khai một số nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP trong chương trình công tác của mình.
Nhóm cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội gồm: Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển đồng bằng sông Cửu Long; sớm thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; Hoàn thiện chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; Xây dụng chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho người lao động nông nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.
Nhóm nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường gồm: Bố trí vốn tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường bộ đã được xác định trong quy hoạch mang tính chất vùng và liên vùng; tăng cường giao thông đường thủy; Về các công trình thủy lợi: Rà soát quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai phù hợp với bối cảnh mới, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất, trong đó ưu tiên các công trình chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phòng chống lũ; kiểm soát ngập mặn; quản lý khai thác nước ngầm; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp trong mùa khô.
Ý kiến ()