Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 07:01 (GMT +7)
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn xa lạ với khái niệm đổi mới sáng tạo
Thứ 3, 30/07/2019 | 09:26:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Nhiều DN Việt vẫn xa lạ với chỉ số đổi mới sáng tạo dù Việt Nam nổi lên là một quốc gia “đặc biệt” vì liên tục thăng hạng về chỉ số này trên toàn cầu.
Trong vài năm qua, Việt Nam đã có thành tích ấn tượng trong Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới: nếu như năm 2016, Việt Nam mới chỉ xếp hạng 59; năm 2017 đánh dấu sự tăng hạng vượt bậc lên thứ 47 – tức là tăng 12 bậc thì đến năm 2018, tiếp tục xu hướng cải thiện, chỉ số này tăng thêm 2 bậc, Việt Nam được xếp hạng thứ 45 – là thứ hạng cao nhất lịch sử. Và đến nay, với thứ hạng 42 trong tổng số 129 nền kinh tế trên thế giới, “Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt” vì liên tục thăng hạng trong bảng chỉ số này.
Việt Nam tiếp tục có thành tích ấn tượng trong Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT)
Theo các chuyên gia, đạt kết quả này là do Việt Nam có 1 mục tiêu rõ ràng và được phối hợp thực hiện từ cấp cao nhất.
Đầu tiên, đó là vai trò kiến tạo của Chính phủ. Kể từ năm 2016, với Quyết định 844, cộng đồng doanh nhân-doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nhận thấy sự quan tâm của Chính phủ với việc hình thành phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo-khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cùng với đó là đề án 1665 dành riêng cho cộng đồng start-up sinh viên…
Các Bộ, ban ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp-tham mưu, triển khai các điều Luật, các văn bản hướng dẫn giải quyết-hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nền tảng đó đã tạo nên 1 thành tích ấn tượng trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như khẳng định của ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
“Năm 2018, các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017, khoảng 291 triệu USD. Với nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, một thị trường năng động, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng vươn ra khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.
Điển hình như ABIVIN đã trở thành nhà vô địch của cuộc thi World Cup Start-up năm 2019 với giải thưởng trị giá 1 triệu USD. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ĐMST gắn với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều dư địa chưa được khai thác, tận dụng để phát triển.
Có thể lấy số liệu được thực hiện tại Diễn đàn CEO 2019 để dẫn chứng cho khẳng định “ĐMST gắn với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng” của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng”: 20% trong tổng số hàng trăm doanh nghiệp được tiến hành khảo sát khẳng định do chi phí đầu tư cao nên họ chưa sẵn sàng đổi mới sáng tạo; Có 44% doanh nghiệp cho rằng vì doanh nghiệp đang ổn định và tư duy ngại thay đổi nên họ chưa có lí do để đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, cũng có đến 36% doanh nghiệp thừa nhận còn thiếu thông tin, chưa hiểu rõ hoặc chưa biết đến chuyển đổi số và ĐMST. Khái niệm ĐMST rõ ràng vẫn còn khá xa lạ với nhiều doanh nghiệp, và dám thay đổi, bứt phá từ tư duy đến hành động là cả một hành trình.
Từ thực tiễn đó, các chuyên gia khẳng định, “hướng tới nền kinh tế số hay chính là nhằm hòa nhập 1 cách bền vững với cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo. Mà muốn thực hiện được điều đó, cần sự nỗ lực từ mỗi doanh nhân-doanh nghiệp”.
Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng: “Cốt lõi nhất là mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức phải thay đổi cách mình làm việc, thay đổi mô hình kinh doanh với những công nghệ mới. Rất nhiều lĩnh vực phải xem xét lại để thấy cần thay đổi như thế nào với cách dùng dữ liệu và công nghệ tương ứng. Nếu không thay đổi sẽ không phát triển được”.
Ý thức ĐMST là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số ĐMST toàn cầu nói riêng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung một cách bền vững, giới chuyên gia nhấn mạnh, cần tiếp tục chú trọng các yếu tố đầu vào của ĐMST.
Trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Nhóm chỉ số này thuộc về chính sách vĩ mô. Cách đây gần 2 tháng, trong 1 diễn đàn bàn luận cùng chỉ đề thúc đẩy ĐMST, thu hút quỹ đầu tư khởi nghiệp ĐMST, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đồng thuận quan điểm này.
Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Đầu tiên cần vai trò kiến tạo của chính phủ thông qua các chính sách phù hợp, cần nguồn tài chính từ các nhà đầu tư-quỹ đầu tư, cần hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và 1 yếu tố như nhân vật chính là vai trò của các trường trong cung cấp nguồn ý tưởng và nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao; Thị trường cho khởi nghiệp với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn; quan trọng nữa là văn hóa khởi nghiệp sáng tạo – chấp nhận rủi ro, thất bại để đi đến thành công”.
Theo số liệu chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 2018, các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017 là khoảng 291 triệu USD.
Con số thống kê cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam-hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, như các chuyên gia đã phân tích, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau.
Các yếu tố tạo nên sự thành công của startup – của ĐMST – bao gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, cần tiếp tục được nghiên cứu-sửa đổi-hoàn thiện – tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nhân, doanh nghiệp trong tiến trình đổi mới sáng tạo – tiếp tục cải thiện chỉ số ĐMST quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam./.
Theo Thu Trang/VOV1
Ý kiến ()