Thứ Ba, 21/01/2025 05:24 (GMT +7)

Nhiều hy vọng cho nông dân đầu nguồn trong mùa nước nổi

Thứ 4, 18/09/2019 | 10:44:00 [GMT +7] A  A

Hơn 2 tuần nay, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về mang theo phù sa và tôm cá cho các địa phương đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu của tỉnh An Giang, mặc dù nước vẫn ở mức thấp, nhưng người dân đầu nguồn tỉnh An Giang vẫn hy vọng mùa nước về sẽ có thêm thu nhập từ nguồn lợi do sản vật “mùa nước nổi” mang lại.

Người dân ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) bắt cá linh.

Thấp thỏm mưu sinh

Nước lũ về đã “nhuộm” trắng cánh đồng của xã biên giới Phú Hữu, huyện An Phú. Mới hơn 4 giờ sáng, trong cái lạnh hanh hao của buổi sớm mai nơi đầu nguồn biên giới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vĩnh, ở xã Phú Hữu đã giong thuyền ra cánh đồng trước nhà thả câu, giăng lưới. Với hơn 900 m lưới, mỗi ngày cũng giúp gia đình anh Vĩnh kiếm thêm thu nhập từ 200.000 -300.000 đồng/ngày.

Theo kinh nghiệm của anh Vĩnh, với tình hình nước về muộn và thấp như hiện nay thì lượng cá tôm sẽ ít hơn so với các năm trước, nhất là cá linh một sản phẩm đặc trưng của mùa nước nổi ở An Giang. Năm ngoái, vào tháng này nước sâu ngập đầu người, tôm, cá rất nhiều. Năm nay nước ít, sâu nhất chừng 7 – 8 tấc nước (70-80cm), nên tôm, cá cũng ít theo.

“Cứ nghĩ năm nay lũ không về, người dân sống bằng nghề giăng lưới, thả câu mất kế sinh nhai. Nhưng may thay, lũ cũng về, hy vọng một vài ngày nữa nước sẽ lớn hơn, cá tôm sẽ về nhiều hơn”, anh Vĩnh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của người dân vùng lũ ở An Giang, cứ vào tháng 4 (âm lịch) là bà con đã chuẩn bị sẵn sàng ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản để chờ nước lũ về. Nhưng năm nay đến hết tháng 7 âm lịch, nước lũ mới đổ về. Nhiều người vốn gắn bó với nghề “hạ bạc” cũng không thể chờ đợi, đành phải khăn gói lên TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tìm việc làm để mưu sinh.

Gắn bó với nghề đặt lọp cua đồng hơn chục năm năy, chưa bao giờ anh giờ anh Lê Văn Lành, ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) thấy một mùa lũ “dị thường” như hiện nay.

“Chờ nước lũ về từ mấy tháng nay nhưng nay lũ về muộn hơn mọi năm và hiện nước đang thấp nên đặt cua cũng không được bao nhiêu; tôm, cua càng ngày càng ít, chắc phải chuyển đổi nghề khác mới sống nổi”, anh Lành chia sẻ.

Trở lại xóm làm lọp cá linh (dụng cụ được đan bằng tre dùng để bắt cá linh) ở Cồn Cóc, xã Phước Hưng, huyện An Phú (An Giang) không khí đìu hiu không kém; mọi năm, cứ mùa lũ về là cả Cồn Cóc nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà làm lọp, người người làm lọp. Nghề làm lọp cá linh đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Năm nay, lũ về muộn, người đặt mua lọp không nhiều nên cả Cồn Cóc chỉ còn lại vài nhà còn làm lọp cá linh.

Ông Nguyễn Minh Hương, một hộ làm lọp cá linh lâu năm ở Cồn Cóc, xã Phước Hưng, huyện An Phú cho biết, khoảng chục năm trước thấy mà ham, mỗi năm làm mấy chục ngàn cái lọp, giao khắp các tỉnh, thành phố, có lúc bán sang tận Campuchia. Lúc đó, cả xóm làm nhộn nhịp ngày đêm mới kịp giao hàng. Mấy năm nay lũ nhỏ (trừ năm ngoái lũ bất thường) và cá cũng ít dần nên người dân cũng bỏ nghề đặt lọp cá linh, trong xóm chỉ còn vài nhà duy trì nghề làm lọp cá linh, nhưng… cũng chỉ để con cháu trong nhà đặt bắt cá linh ăn hàng ngày.

Theo ông Phạm Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Phú, năm nay mùa nước nổi về trễ hơn 2 tháng. Mực thấp hơn so với các năm trước, do đó ảnh hưởng đến nguồn phù sa bồi đắp cho ruộng đồng. Đồng thời, kéo theo cá, tôm giảm sút nghiêm trọng; trong đó có cá linh – đặc sản chỉ có trong mùa nước nổi ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, là nguồn lợi giúp người dân vùng lũ cải thiện kinh tế.

Xả lũ để vệ sinh đồng ruộng

Ông Phan Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành, huyện Phú Tân cho biết, theo kế hoạch xã lũ năm 2019, xã Phú Thành sẽ tiến hành xã lũ với diện tích khoảng 1.000 ha ở tiểu vùng phía tây xã Phú Thành. Nhưng vụ Hè Thu năm nay giá lúa nếp tăng cao (dao động từ 6.400-6.800 đồng/kg), lại thấy lũ về khá muộn nên trước khi thực hiện xả lũ, một số bà con có nguyện vọng tiếp tục sản xuất vụ Thu Đông. Nhưng qua triển khai, vận động, bà con thấy được những lợi ích của chủ trương mới nên đã đồng tình ủng hộ.

Chú thích ảnh

Cá linh – đặc sản của mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng tình với chủ trương xả lũ và thực hiện kế hoạch sản xuất “2 năm, 5 vụ” của huyện Phú Tân, ông Trần Văn Ba, ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Thành chia sẻ, thời gian qua sản xuất kéo dài khiến đất đai cằn cỗi, bạc màu, nông dân buộc lòng bón phân, thuốc hóa học nhiều để “ép” cây lúa đạt năng suất. Việc làm này kéo dài ảnh hưởng đến vấn đề môi trường rất lớn, liên đới tác hại cả sức khỏe con người.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp Phú Thạnh bày tỏ, liên tiếp 3 năm sản xuất 8 vụ không đạt hiệu quả, sâu bệnh nhiều, chi phí sản xuất tăng cao. Năm nay, tuy nước lũ về muộn nhưng bà con vẫn thống nhất xã lũ để tẩy rửa đồng ruộng, cải tạo môi trường đất, hạn chế sâu bệnh, bồi tụ thêm phù sa,… cho những vụ sản xuất kế tiếp đạt năng suất cao hơn.

“Huy vọng, việc sắp xếp lại lịch thời vụ, cải tạo đất, đưa vụ Đông Xuân trở lại chính vụ sẽ đem lại kết quả khấm khá hơn cho người nông dân”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Thanh Tuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân cho biết, năm nay, huyện Phú Tân thực hiện xả thí điểm sản xuất “2 năm 5 vụ”. Theo đó, huyện Phú Tân thực hiện xả lũ ở 10 tiểu vùng với diện tích 12.441 ha, chiếm 50% diện tích đất sản xuất của toàn huyện. Hiện nay, đã có 6/10 tiểu vùng xả lũ, với diện tích trên 3.300 ha; còn lại 4 vùng chưa xả lũ (gồm: xã Phú An, Phú Thọ, một phần xã Phú Bình và xã Phú Xuân) do bà con chưa thu hoạch dứt điểm lúa, nếp Hè Thu.

“Năm nay lũ về muộn so với trung bình hàng năm nhưng hiện tại nước đã vào đồng ruộng ngập gốc rạ, đảm bảo xả lũ đạt theo yêu cầu”, ông Tuyến cho biết thêm.

Dọc theo bờ Tây sông Hậu, phóng viên đi ngang xã Phú Hội, huyện An Phú, nơi đây cũng bắt đầu đón nhận những dòng nước lũ tràn về trong những ngày qua. Rút kinh nghiệm từ mùa vụ trước, năm nay người dân không dám sản xuất (lúa, hoa màu) vùng ngoài đê bao. Năm trước, lũ về nhanh bất ngờ gây ngập nhiều diện tích sản xuất ngoài đê bao ở các xã: Phú Hội, Nhơn Hội, Khánh An, Vĩnh Hội Đông…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hội Lê Huệ Yến cho biết, nước về chưa nhiều nên bà con chưa triển khai các hoạt động khai thác mùa nước nổi. Địa phương đang tiếp tục theo dõi và tăng cường khuyến cáo người dân đề phòng nước lũ, phòng chống sạt lở và đảm bảo an toàn trong sinh hoạt, sản xuất.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, đến ngày 25/9, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,20-3,30m, trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,55-2,65m; trên Rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới ở mức 2,20-2,30m, trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức 1,90-2,00m.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp và ảnh hưởng đến các khu vực có hệ thống đê bao, cống bững xung yếu; nhất là đối với hơn 137.000 ha lúa Thu Đông 2019 và rau màu của bà con nông dân mới xuống giống. Đối với các diện tích lúa Hè Thu còn lại bà con cần tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thu hoạch dứt điểm để giảm thiểu thiệt hại.

Theo ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, năm nay lũ về muộn nhưng người dân cũng cần hết sức cảnh giác, đề phòng nước lũ, phòng chống sạt lở và đảm bảo an toàn trong sản xuất, sinh hoạt. Bởi thời tiết hiện nay rất khó dự báo, chỉ cần vài cơn bão thì chắc chắn các đập phía thượng nguồn sông Mê Kông sẽ xả lũ; cộng với triều cường sẽ ảnh hưởng đến các vùng phía hạ lưu. Vì thế, cần người dân cần chủ động trong mọi tình huống, không nên chủ quan trong việc phòng chống lũ, đề phòng sạt lở.

Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu