Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 11:07 (GMT +7)
Nhiều mẫu bánh Trung thu ‘đặc biệt’ chinh phục thị trường
Thứ 4, 28/08/2019 | 09:24:00 [GMT +7] A A
Để hút khách dịp Tết Trung thu, nhất là trước sự cạnh tranh của bánh handmade đa dạng về mẫu mã, các cơ sở sản xuất bánh uy tín đã phải “phá cách” trong việc pha trộn các loại nhân bánh làm từ hoa quả ngon, lạ miệng và sáng tạo bao bì bắt mắt.
Khuôn in hình bánh 3D được thiết kế riêng cho cơ sở bánh handmade tại Khương Trung (Hà Nội). Ảnh: Lý Hồng Phong
Bánh “mix” hoa quả, in hình nổi 3D
Còn khoảng nửa tháng nữa đến Tết Trung thu, nhưng những ngày này, nhiều điểm bán bánh trên các tuyến phố của Hà Nội như: Võ Thị Sáu, Lò Đúc, Phố Huế, Minh Khai, Giảng Võ, Lê Văn Lương… đã thu hút nhiều khách hàng tới mua. Bên cạnh giá bán các sản phẩm bánh Trung thu phổ biến dao động từ 30.000 – 100.000 đồng/chiếc, những hộp bánh có thiết kế cầu kỳ, sang trọng, nhân bánh làm từ vi cá, yến sào, bào ngư…được khách hàng chọn mua làm quà biếu có giá từ 1 – 5 triệu đồng/hộp.
“Dịp này, Công ty CP Bibica đưa ra thị trường hơn 600 tấn bánh Trung thu, với hơn 60 loại khác nhau. Đặc biệt, năm nay các sản phẩm bánh đều có nguồn gốc tự nhiên, giàu dinh dưỡng, nhân bánh chủ yếu làm từ các loại trái cây đặc sản như: Dâu tây, hồng, cà chua bi, dâu tằm Đà Lạt, vỏ bưởi Diễn… Vì vậy, giá bán tăng nhẹ 5% so với năm ngoái”, ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Bibica nói.
Còn anh Lý Hồng Phong, chủ cơ sở bánh PhongLy’s chia sẻ, bánh Trung thu “handmade” được làm theo quy mô nhỏ, nên có sự linh hoạt, sáng tạo khác biệt so với những dây chuyền sản xuất lớn. “Xu hướng người tiêu dùng đang trở lại hương vị truyền thống, với nhân thập cẩm, kết hợp với nhân bánh làm từ hoa quả nhập khẩu như: Việt Quất, Berry mâm xôi, vì có vị chua, ăn lạ miệng…
Theo cơ sở bánh PhongLy’s, dịp Tết Trung thu năm nay, bánh trung thu hình nổi 3D khá thu hút khách hàng. Để có được khuôn bánh bắt mắt, tinh xảo, cơ sở này đã mời nhà thiết kế riêng ở Đà Nẵng tư vấn làm các khuôn hình có bông sen nổi, rồng bay, phượng múa… Vỏ hộp cũng được chọn làm từ chất liệu đặc biệt, với tông màu phối hiện đại. Giá bán khoảng 450.000 đồng/hộp 4 chiếc.
Chủ PhanLe Shop, chị Nguyễn Thị Lê Phan cũng cho hay, bánh nướng thập cẩm, trứng muối, bánh nướng sầu riêng… của cơ sở có giá bán từ 70.000 – 75.000 đồng/chiếc; bánh nướng nhân mè đen Macca, bánh nướng nhân Socola rum nho hay nhân sen nhuyễn có giá từ 60.000 – 65.000 đồng/chiếc, nhân trà xanh, chuối nướng là 60.000 đồng; nhân đậu xanh, khoai môn là 50.000 đồng/chiếc…
Một mẫu vỏ hộp bánh. Ảnh: Lý Hồng Phong.
Nói đến thị trường bánh handmade, nhiều thực khách “sành ăn” đều nhắc tới những thương hiệu làm bánh truyền thống kết hợp hiện đại như các cơ sở của chủ sở hữu: Lê Ngọc Yến, Thanh Thanh, Lưu Thu Hương, Thảo Lê… Bánh Trung thu handmade có nhiều giá và chủng loại khác nhau, phụ thuộc vào bí quyết gia truyền, nguyên liệu đầu vào, cũng như sự đầu tư công phu, sáng tạo vào từng loại bánh, vỏ hộp. Do không sử dụng chất bảo quản, nên hạn sử dụng của bánh handmade chỉ từ 5 – 7 ngày nếu để ở nhiệt độ thường; từ 10 – 15 ngày nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, trước khi ăn bỏ bánh ra ngoài khoảng 30 phút đến 1 tiếng là bánh trở về trạng thái bình thường.
Bánh phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra các cửa hàng bày bán bánh Trung thu của các công ty sản xuất bánh kẹo uy tín, thì việc kinh doanh bánh Trung thu handmade trên mạng xã hội cũng đang khiến lực lượng chức năng “đau đầu”.
Đặc biệt, thị trường năm nay còn có loại bánh Trung thu trứng muối xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là loại bánh mới đang gây sốt trên mạng Internet và các trang bán hàng online. Được quảng cáo là dòng bánh thơm ngon, nổi tiếng ở Trung Quốc, bánh được đóng hộp khá sang trọng, nhưng điều đáng nói là giá bán lẻ chỉ từ 130.000 – 150.000 đồng/hộp 6 chiếc. Trong khi giá của mặt hàng này nếu xách tay từ Hongkong (Trung Quốc) phải tiền triệu. Thực tế này khiến nhiều khách hàng lo ngại về chất lượng thực sự của mẫu bánh này.
Bán nhân trứng muối xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Lê Phan
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, quảng cáo về bánh Trung thu có quy định chung là phải xin phép. “Lực lượng chức năng hiện chưa quản lý được toàn bộ việc quảng cáo của các hộ sản xuất trên mạng xã hội. Tuy nhiên, về quy định, các hộ tuyên truyền quảng cáo phải chịu trách nhiệm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Lộc khẳng định.
Để kiểm soát thị trường bánh Trung thu, UBND TP Hà Nội vừa thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, từ ngày 23/8 – 20/9, sẽ bố trí cán bộ hàng ngày đi thanh tra đột xuất các xưởng sản xuất, các cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu, để kiểm tra chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo bánh. Quy trình kiểm tra tập trung vào các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm khi bán ra thị trường; truy xuất được nguồn gốc để người sản xuất chịu trách nhiệm với người tiêu dùng; đồng thời, cơ sở bán hàng phải đóng thuế, chứ không được phép tự ý bán tràn lan, nhằm đảm bảo trách nhiệm với khách hàng.
Ý kiến ()