Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 17/11/2024 14:49 (GMT +7)
Nhiều mô hình chăm sóc hiệu quả người mắc COVID-19 tại nhà
Thứ 3, 21/09/2021 | 15:02:00 [GMT +7] A A
Một tín hiệu đáng mừng trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay là số ca tử vong đang có chiều hướng giảm đáng kể, dù số ca mắc vẫn ở mức cao.
Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 8, quận 11 chuyển thuốc cấp phát cho F0 điều trị tại nhà.
Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Nếu như trong ngày 1/9, số ca tử vong vì COVID-19 là 440 thì đến ngày 15/9, con số này đã giảm xuống còn 250 và đến ngày 19/9 là 233.
Tại TP Hồ Chí Minh, nơi số ca mắc luôn ở mức cao nhất nước, số ca tử vong cũng giảm đáng kể – từ 340 ca trong ngày 22/8 (cao nhất từ đầu dịch đến nay) còn 182 ca trong ngày 19/9. Trong gần 30 ngày qua thì ngày 15/9 thành phố có số ca tử vong thấp nhất với 160 người.
Theo các chuyên gia y tế, số ca tử vong phản ánh quá trình dài nỗ lực của các y bác sĩ trong việc điều trị, từ lúc bệnh nhân nhập viện, diễn tiến nặng và hồi sức.
Tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt
Đánh giá về tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế nhận định, tỷ lệ F0 tử vong tại các tầng điều trị đã giảm rõ rệt, đặc biệt là tại tầng 3 của các trung tâm hồi sức tích cực. Việc triển khai các trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVIDD-19, sự cố gắng hết sức của các thầy thuốc của TP Hồ Chí Minh cùng những thầy thuốc từ các địa phương tăng cường tại các tuyến điều trị, đã giúp giảm các ca nặng và giảm các ca tử vong… Chiến lược giảm tử vong tại TP Hồ Chí Minh đã có hiệu quả.
Chia sẻ về các giải pháp để giảm tử vong tại các tầng điều trị, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến 14 (Quận Tân Phú), cho biết, việc phối hợp bệnh viện tầng 3 (trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19) với tầng 2 (bệnh viện quận, huyện, các bệnh viện đa khoa) để điều trị và chuyển viện sớm trường hợp nguy kịch nhằm giảm tử vong, điều này trước đây chưa thật sự được đồng bộ. Mặt khác còn là phát hiện F0 ở tầng 1 có triệu chứng để điều trị sớm. Song song đó là tiêm vaccine, thì tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng đã giảm.
Cùng với tăng năng lực điều trị, việc thành lập các trạm y tế lưu động ở các địa phương đã góp phần giảm tải cho tuyến trên. Thực tế chứng minh các trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã phát huy hiệu quả.
Riêng TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và vận hành 520 trạm y tế lưu động, quản lý trên 76.000 người nhiễm và trên 41.000 trường hợp F0 sau xuất viện tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Bên cạnh đó, thành phố cũng thành lập thêm các tổ, đội, nhóm chăm sóc người nhiễm dựa vào cộng đồng góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị và giảm tử vong.
Đánh giá về mô hình trạm y tế lưu động ở TP Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), người được Bộ trưởng Bộ Y tế giao hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thiết lập và vận hành các trạm y tế lưu động, cho biết, trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng thì các cơ sở điều trị (bao gồm các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực…) sẽ bị quá tải, nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng là cần thiết.
“Chiến lược thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp, hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội”, ông Long nhấn mạnh.
Thêm những mô hình sáng tạo
Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 25, quận Bình Thạnh cấp phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Song song với mô hình trạm y tế lưu động của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” do Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đề xuất, bước đầu đã có những kết quả khả quan tại Quận 10, Quận 8… Đây là mô hình chăm sóc F0 tại nhà kết hợp giữa chăm sóc trực tuyến và đội cấp cứu ngoại viện.
Việc triển khai mô hình tuân thủ hai nguyên tắc, đó là đưa F0 ra khỏi nhà khi có chuyển biến xấu và cấp cứu kịp thời nhất; mỗi F0 được kết nối thường xuyên để thực hiện linh hoạt nhiều biện pháp tư vấn, chăm sóc toàn diện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Khoa Y Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, phụ trách mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” tại Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Quận 8 số 1, cho biết: F0 ở nhà thường có tâm lý lo lắng, không biết nên làm gì khi bệnh chuyển nặng. Mô hình này bao gồm 2 đội, trong đó đội 1 chăm sóc người bệnh trực tuyến qua điện thoại, online. Cả khi F0 ở nhà đang khỏe mạnh, chưa hề nao núng tinh thần thì thành viên đội 1 vẫn chủ động gọi đến.
“Các thành viên đội tiếp nhận thông tin về bệnh nhân, thiết lập sẵn hồ sơ bệnh án điện tử về các F0 đó luôn. Tần suất thăm hỏi phụ thuộc vào tình trạng nặng-nhẹ của F0 sau khi phân loại. Nếu F0 có nguy cơ, tuổi cao, có bệnh nền, thành viện của đội sẽ hỏi thăm liên tục. Những người không có nguy cơ thì vài ngày lại được hỏi thăm, động viên. Riêng tại Quận 8 có đến 131 tổ tư vấn. Mỗi tổ 5-6 người nhận 60 F0 để chăm sóc từ xa”, Phó Giáo sư Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ.
Song song với đội chăm sóc trực tuyến là đội cấp cứu ngoại viện, “cả hai đội có mối quan hệ khăng khít nhau. Khi những nhân viên chăm sóc qua điện thoại phát hiện yếu tố nguy cơ trở nặng của F0 nào đó tại nhà sẽ lập tức báo đến đội cấp cứu ngoại viện”, Phó Giáo sư Vương Thị Ngọc Lan cho biết thêm.
Một trong những ưu điểm nổi trội của mô hình này là có thể chăm sóc số lượng lớn F0 tại nhà và thực hiện cá thể hóa việc chăm sóc theo hình thức bác sĩ gia đình và phát hiện sớm, cấp cứu nhanh nhất trường hợp chuyển nặng. Bên cạnh đó mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” còn sàng lọc, chuyển bệnh đúng tầng điều trị, tránh chuyển sai tầng gây quá tải cho các cơ sở điều trị.
Nhiều F0 tại nhà được tiếp cận nhanh với dịch vụ y tế hay các xe cấp cứu ngoại viện đều có chung sự phấn khởi, vững tin. Những người không triệu chứng được thăm hỏi, tư vấn qua điện thoại không còn lo âu, đối diện và vượt qua dịch bệnh.
Hiệu quả của mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” là sự kết hợp giữa chăm sóc trực tuyến và cấp cứu ngoại viện thể hiện ngày càng rõ nét. Hiện tại Quận 8 đã không còn F0 tử vong tại nhà.
Đánh giá về mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, mô hình có thể thực hiện được ở các địa bàn, nhất là khu vực có lượng F0 lớn đang theo dõi, điều trị tại nhà.
“Vừa song song quản lý F0 tại nhà vừa cấp cứu, xử lý kịp thời nhất các trường hợp cần can thiệp y tế cho thấy hiệu quả trong bối cảnh giãn cách xã hội, khi mà phương tiện cá nhân và công cộng bị giới hạn lưu thông. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đội tư vấn từ xa và đội cấp cứu ngoại viện đã đáp ứng tốt nhu cầu được chăm sóc y tế của F0 tại nhà”, ông Khoa nhận xét.
https://baotintuc.vn/y-te/nhieu-mo-hinh-cham-soc-hieu-qua-nguoi-mac-covid19-tai-nha-20210920184248757.htm
Ý kiến ()