Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 06:40 (GMT +7)
Nhiều ngân hàng tiếp tục chi trả cổ tức bằng cổ phiếu
Thứ 2, 29/03/2021 | 11:21:00 [GMT +7] A A
Trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2021, nhiều ngân hàng đã trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm giúp các ngân hàng tăng vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh COVID-19 kéo dài.
Do ảnh hưởng của COVID-19 và áp lực từ việc đáp ứng hệ số an toàn vốn nên nhiều ngân hàng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu mà không chia tiền mặt. Ảnh: VIB.
Mới đây nhất, các cổ đông Ngân hàng VIB đã thông qua đề xuất phát hành cổ phiếu thưởng 40% tại ĐHĐCĐ thường niên 2021. Theo VIB, tính đến cuối năm 2020 ngân hàng có hơn 4.800 tỷ đồng lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ nên dự kiến chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 40% để tăng vốn từ 11.093 tỷ đồng hiện tại lên hơn 15.530 tỷ đồng. Việc chia cổ phiếu thưởng VIB dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9 năm 2021. “Ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt nên cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định”, đại diện VIB cho biết.
Còn tại MSB, phương án tăng vốn điều lệ thông qua mới đây là chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu. Dự kiến sau khi hoàn thành kế hoạch, vốn điều lệ của MSB sẽ đạt 15.221 tỷ đồng. Đại diện ngân hàng chia sẻ: “Bên cạnh việc luân chuyển nguồn vốn của ngân hàng nhằm bổ sung vào nguồn vốn trung dài hạn, MSB chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ đảm bảo và hỗ trợ tốt cho các chỉ tiêu an toàn tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế như phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel (Basel II) và đang hướng tới Basel III”.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng khác cũng lên kế hoạch chia cổ tức khá cao như ACB dự kiến phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25%. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 5.400 tỷ đồng; SHB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB cho biết: Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%.
Ngân hàng Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Cổ đông BIDV cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2021 thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng (tức tăng 20,6%) theo hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. Cụ thể: BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%).
Một số chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết: Việc tăng vốn của các ngân hàng trong năm 2021 là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng. Hiện thu nhập của nhiều ngân hàng phần lớn vẫn đến từ tín dụng. Để duy trì được hệ số an toàn vốn ở mức hiện tại, với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12 – 13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7 – 8%.
Theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm nay các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì cả tiền mặt như trước. Khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ theo quy định của NHNN, kể cả chính sách cổ tức chia trả cho cổ đông. Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, để có nguồn tiền phòng xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên một số ngân hàng quyết định không chia cổ tức năm 2020 như: VPBank, Techcombank, Sacombank, Eximbank, SCB hay ABBank.
Phía Eximbank là ngân hàng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức do ngân hàng đã được NHNN chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt. Ngân hàng vẫn còn lượng trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước được gia hạn 10 năm chưa được thanh toán hết. Vì vậy, mguồn lợi nhuận giữ lại này sẽ là nguồn để xử lý nợ xấu cho đến khi toàn bộ phần trái phiếu gia hạn được thanh toán.
https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/nhieu-ngan-hang-tiep-tuc-chi-tra-co-tuc-bang-co-phieu-20210328144319646.htm
Ý kiến ()