Thứ Năm, 23/01/2025 21:34 (GMT +7)

Nhiều nhà máy sản xuất điều tạm ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu

Thứ 7, 16/06/2018 | 11:57:00 [GMT +7] A  A

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất điều đã tạm ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu, như tại Long An có 12/33 doanh nghiệp hoạt động; Bình Phước có tới 80% doanh nghiệp quy mô nhỏ và rất nhỏ tạm ngưng hoạt động.

Đây là nội dung được Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nêu ra tại buổi trao đổi thông tin về hoạt động sản xuất – kinh doanh điều 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra chiều 15/6 tại TP Hồ Chí Minh.

Công nhân Xí nghiệp chế biến điều và nông sản thực phẩm Bình Phước phân loại hạt điều. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Vinacas, trong tháng 5/2018, nguyên liệu điều nhập về đạt 25 ngàn tấn, rất thấp so với 150 ngàn tấn cùng kỳ năm 2017. Dự báo những tháng cuối năm 2018, nguyên liệu có thể đưa vào chế biến gặp nhiều khó khăn do lượng nguyên liệu nhập về rất chậm.
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh điều khó khăn như hiện nay, ngành điều kiên trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất” với sản lượng điều nhân xuất khẩu duy trì ở mức phù hợp, nâng tỷ trọng chế biến sâu lên 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt trên 3,7 tỷ USD trong năm 2018.

Phân tích nguyên nhân này, ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, hiện tiêu thụ điều nhân thế giới tăng khoảng 3,5 – 5% do năm nay giá giảm so với trước. Trong 5 tháng đầu năm 2018, công suất chế biến trong nước tăng 25% so với năm 2017 nên thiếu hụt nguyên liệu. Điều nhập khẩu về đạt 283 ngàn tấn, thu mua trong nước và mậu biên là 370 ngàn tấn; tổng nguyên liệu điều là 653 ngàn tấn. Trong khi đó, xuất khẩu điều nhân đạt 152 ngàn tấn (tương đương 653 ngàn tấn nguyên liệu) và coi như các nhà máy “trống kho” nguyên liệu khiến sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngưng.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu nhân điều tăng cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2017, cụ thể đạt 141 ngàn tấn và 1,396 tỷ USD (tăng 21,4% về số lượng và 25,3% giá trị). Các thị trường xuất khẩu điều nhân lớn nhất vẫn là Hoa Kỳ (29% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều), Hà Lan (17%), Trung Quốc (15%). Theo kế hoạch xuất khẩu năm 2018, Việt Nam sẽ duy trì thị phần khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (5,7 tỷ USD). Đây là năm thứ 13 liên tiếp, ngành điều Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều.

Năm 2019, Hiệp hội điều Việt Nam dự báo ngành điều Việt Nam có thể bước qua một chu kỳ phát triển mới. Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, tăng cường các giải pháp chất lượng và truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn, chế biến sâu – phát triển thị trường nội địa và hỗ trợ xuất khẩu để đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 4 tỷ USD.

Chiều cùng ngày, Hiệp hội Điều Việt Nam đã công bố chương trình Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 10 năm 2018, dự kiến diễn ra từ ngày 5 – 7/10 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Hội nghị dự kiến thu hút khoảng 500 khách hàng trong nước và quốc tế đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự.

Tiến Lực (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu