Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 18:15 (GMT +7)
Nhiều ý kiến quanh việc chia vùng giá điện mặt trời
Thứ 6, 28/06/2019 | 09:03:00 [GMT +7] A A
Đã đăng vào 28/06/2019 lúc 9:03
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, các dự án điện mặt trời đi vào vận hành trước hạn 30/6/2019 sẽ được hưởng mức giá điện ưu đãi 9,35 cent/kWh.
Trạm Inverter B Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Thời hạn này sắp hết và Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện phương án giá điện mặt trời mới sau ngày 30/6. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các phương án chia vùng và giá điện mặt trời trong dự thảo này của Bộ Công Thương.
Theo dự thảo của Bộ Công Thương có tính toán bổ sung phương án chia 2 vùng giá, bên cạnh phương án chia 4 vùng như dự thảo ban đầu.
Theo cách phân 2 vùng, giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 là 8,38 cent/kWh (khoảng 1.916 đồng); thấp nhất 7,09 cent/kWh (tương đương 1.758 đồng) với dự án điện mặt trời mặt đất. Tương tự, các mức giá tại vùng 2 (6 tỉnh có bức xạ tốt như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa), cao nhất là 7,89 cent/kWh (khoảng 1.803 đồng) và thấp nhất là 6,67 cent/kWh (1.525 đồng).
Dù bổ sung thêm phương án chia giá mua điện mặt trời thành 2 vùng như nói ở trên, nhưng Bộ Công Thương vẫn kiến nghị Chính phủ giữ nguyên phương án chia 4 vùng phát triển điện mặt trời với các mức giá tương ứng loại hình đầu tư (điện mặt trời mặt đất, áp mái, nổi…) như đã trình cấp có thẩm quyền vào tháng 5.
Cụ thể, ở phương án 4 vùng, Vùng 1 (vùng ít tiềm năng nhất, tập trung ở các tỉnh phía Bắc) có mức giá cao nhất (2.102 đồng/kWh); vùng 2 (1.809 đồng/kWh); vùng 3 (1.620 đồng/kWh). Đặc biệt là, vùng 4 – vùng có tiềm năng cao nhất (Ninh Thuận, Bình Thuận… ) có mức giá thấp nhất là 1.525 đồng/kWh (mức giá này thấp hơn nhiều con số 2.086 đồng/kWh mà các dự án vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng).
Theo lý giải từ đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, việc phân chia vùng như vậy nhằm đảm bảo tính công bằng trong đầu tư. Bởi lẽ, cùng một mặt bằng giá thiết bị, suất đầu tư thì hiệu quả đầu tư giữa các vùng phải đảm bảo tương đương nhau, khuyến khích các nhà đầu tư dự án. Thêm vào đó, phân chia vùng như vậy sẽ tránh việc các nhà đầu tư tập trung dự án vào vùng có cường độ bức xạ cao, hiệu quả dự án cao, như Bình Thuận, Ninh Thuận,… gây quá tải hệ thống điện cho khu vực đó, áp lực về diện tích lắp đặt…
Còn với 4 loại hình công nghệ điện mặt trời: gồm điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, điện mặt trời mái nhà có mức giá khác nhau. Lý do phân chia liên quan đến chi phí đầu tư các dự án. Ví dụ như giá điện mặt trời mặt đất, chi phí đầu tư ít nhất, bởi ít tốn kém nhiều về hệ thống giá đỡ, kết nối so với điện mặt trời trên mặt nước hay các mái nhà. Do vậy, giá loại hình lắp đặt này là thấp nhất.
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, dự thảo này cũng đã được sự tư vấn của các chuyên gia, tổ chức từ nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư tại một vùng nhất định…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị để một giá 9,35 cent/kWh (tương đương 2.156 đồng) cho các dự án điện mặt trời áp mái đến hết năm 2021. Lý do đề xuất áp dụng một giá 9,35 cent cho các dự án điện mặt trời mái nhà trong 3 năm tới, theo Bộ Công Thương, các dự án đầu tư hình thức này mất ít thời gian thi công, không cần phát triển hệ thống truyền tải, tiết kiệm đất.
Đồng tình với phương án chia 4 vùng này, ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ cho rằng, việc chia 4 vùng như vậy là hợp lý. Bởi khu vực ngoài Bắc lượng bức xạ mặt trời yếu, hiệu quả dự án sẽ không cao bằng khu vực trong Nam. Nếu không có sự phân chia thì khu vực phía Bắc sẽ không thu hút được đầu tư điện mặt trời.
Riêng với việc giữ mức giá điện mặt trời áp mái 9,35 cent/kWh, ông Diệp Bảo Cánh chia sẻ, điều này cũng rất hài hòa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung hơn vào điện mặt trời áp mái, vốn không tốn diện tích đất để xây dựng, giảm áp lực xây dựng truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bởi có thể đấu trực tiếp vào điện tiêu thụ.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị, không khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời tại các vùng có bức xạ thấp, mà ưu tiên phát triển các dự án có độ bức xạ tốt để giảm áp lực tăng giá bán lẻ. Việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời tại các vùng có độ bức xạ thấp sẽ xem xét, phát triển ở giai đoạn sau để phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu thụ cuối cùng. Do vậy, EVN thống nhất với phương án phân chia thành 2 vùng như dự thảo báo cáo.
Đối với giá điện các dự án trên mái nhà, EVN nhất trí tiếp tục áp dụng một mức giá điện 9,35 cent/kWh trong phạm vi cả nước như dự thảo báo cáo.
Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã có ý kiến đối với dự thảo của Bộ Công Thương trình Thủ tướng về cơ chế phát triển điện mặt trời; trong đó có nhiều nội dung, nhưng cốt lõi vẫn là phân chia vùng và giá điện.
Theo đó, ông Kính cho biết, sự chênh lệch giá điện mặt trời giữa vùng 1 (có bức xạ thấp) với vùng 4 (có bức xạ cao) là khá lớn. Trong khi đó, mức đầu tư dự án là không có gì thay đổi. Nếu áp dụng giá như vậy sẽ làm triệt tiêu lợi thế của địa phương.
“Các vùng bức xạ thấp ở phía Bắc, nếu sản xuất điện mặt trời không hiệu quả thì có thể tập trung sản xuất mặt hàng, loại hình khác hiệu quả hơn. Ở Bình Thuận, Ninh Thuận là những địa phương có bức xạ cao, chủ yếu là vùng khô cằn sỏi đá, khó có thể sản xuất được các mặt hàng, loại hình khác nhưng lại hiệu quả khi làm điện mặt trời. Như vậy, phải khuyến khích đầu tư. Nhưng ở đây, dự thảo làm ngược quy luật đó, nên tỉnh Bình Thuận có ý kiến không đồng tình”, ông Kính nói.
Thời gian hạn 30/6 đã cận kề. Các doanh nghiệp và địa phương đang rất mong chờ quyết định mời từ Chính phủ để khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trên toàn quốc cho giai đoạn từ tháng 7/2019 đến hết tháng 12/2021.
Ý kiến ()