Mới đây, trang Reuters vừa công bố về việc công ty Johnson & Johnson (J & J) đã biết sản phẩm phấn rôm chứa chất gây ung thư amiăng từ lâu nhưng lại che giấu thông tin này. Cáo buộc của Reuters đưa ra đúng vào thời điểm J & J đang đối mặt với hàng nghìn vụ kiện tụng về các sản phẩm phấn rôm, có thành phần chính là bột talc, gây ung thư cho người sử dụng.
Trước đó, vào tháng 7, J & J còn bị tòa án yêu cầu bồi thường 4,7 tỷ USDcho 22 phụ nữ cáo buộc phấn rôm của hãng khiến họ bị ung thư buồng trứng. Hầu hết trường hợp cho biết họ thường sử dụng các sản phẩm phấn rôm của J & J như chất chống mồ hôi và khử mùi ở gần vùng kín. Tuy nhiên, Alex Gorsky, Giám đốc điều hành J & J, đã cam kết rằng họ vẫn tự tin các sản phẩm của mình không chứa amiăng.
Mặc dù phủ nhận cáo buộc, cổ phiếu của J & J trong ngày 14/12 đã giảm hơn 10%, tương đương với 40 tỷ USD bị mất đi, mức sụt giảm lớn nhất từ trước tới nay.
Không chỉ J & J vướng bê bối, nhiều sản phẩm cũng chứa chất gây nguy hiểm cho sức khỏe con người từng bị phanh phui và làm chấn động toàn cầu.
Thuốc cảm Tylenol chứa kali xyanua
Theo kênh truyền hình RT của Nga, một bê bối khác của công ty J & J xảy ra vào năm 1982 là 7 người, trong đó có một bé gái 12 tuổi, đã tử vong sau khi uống thuốc có chứa hóa chất xi mạ kali xyanua được dán nhãn là thuốc giảm đau phổ biến Tylenol.
Kali xyanua là chất độc có thể ngăn chặn quá trình trao đổi chất của các tế bào và không cho các tế bào hemoglobin lấy được oxy. Chất kịch độc này phản ứng cực nhanh, nạn nhân có thể chất ngay sau vài giây tiếp xúc
Khi các nhà điều tra phát hiện ra rằng ai đó cố ý cho kali xyanua vào một số chai thuốc cảm, họ ngay lập tức cảnh báo người tiêu dùng không nên tiếp tục dùng thuốc. Sau một loạt tai nạn chết người, ít nhất 31 triệu chai thuốc cảm Tylenol trên toàn nước Mỹ đã bị nhà sản xuất J & J thu hồi.
Mặc dù hơn 3 thập kỷ trôi qua, các quan chức Mỹ vẫn chưa thể xác định người gây ra vụ thuốc giả này.
Công ty J & J sau đó cũng chuyển sang sản xuất các viên nang thay vì con nhộng bột – loại dễ dàng bị pha trộn kali xyanua. Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật vào năm 1983, xếp những kẻ làm giả các loại thuốc và hàng tiêu dùng khác là tội phạm liên bang.
Thuốc Tylenol trị cảm chứa chất kịch độc kali xyanua. Ảnh: Reuters.
Sữa trẻ em nhiễm độc ở Trung Quốc
Trong năm 2008, khoảng 300.000 trẻ sơ sinh Trung Quốc đã mắc bệnh sau khi uống phải sữa nhiễm độc. Ít nhất 6 trẻ em tử vong trong số 54.000 trẻ sơ sinh nhập viện.
Hợp chất hữu cơ melamine được thêm vào để cho phép sữa không đạt tiêu chuẩn qua mặt các bài kiểm tra dinh dưỡng. Công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc đã dùng melamine trộn vào trong sữa để tăng độ đạm cho sữa, bỏ qua những tiêu chuẩn đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Melamine có thể gây tác dụng phụ cho người sử dụng như suy thận và sỏi thận.
Cơ quan chức năng còn phát hiện tập đoàn Tam Lộc cố tình che đậy bê bối này gần một năm khi người tiêu dùng gửi đơn khiếu nại từ tháng 12/2007.
Một nông dân chăn nuôi bò sữa và một người bán sữa phải nhận án tử hình với tội danh gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng, sản xuất, bán thực phẩm độc hại, trong khi 19 người khác bị bỏ tù vì có dính líu tới bê bối sữa nhiễm độc.
Melamine được cho vào sữa để làm độ đạm cao hơn. Ảnh: Reuters.
Thuốc huyết áp chứa tạp chất gây ung thư
Hồi tháng 7/2018, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) phát hiện ra tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) trong chất Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical của Trung Quốc sản xuất. Đây là loại thuốc chuyên để điều trị bệnh cao huyết áp và suy tim.
Theo Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HSS), NDMA là hóa chất hữu cơ trong hệ thống chất có nguy cơ gây ung thư mạnh. Nó có thể gây tình trạng nhiễm độc, tạo ra các khối u và làm ảnh hưởng tới đường hô hấp. Với tỷ lệ nhất định, tạp chất này có thể gây hại cho người sử dụng, phá hủy gan và gây ung thư.
EMA đã lập tức yêu cầu thu hồi 2.300 lô thuốc xuất khẩu sang thị trường thuộc 22 nước châu Âu, trong đó có Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Hungary… Nhiều nước châu Âu đã rà soát lại tất cả danh mục thuốc generic trị cao huyết áp và bệnh suy tim có nguyên liệu thành phẩm Valsartan. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) sau khi xác nhận thông tin trên cũng yêu cầu tiến hành kiểm tra lại loại thuốc nguyên liệu Valsartan.
Thuốc Valsartan bị thu hồi do chứa tạp chất gây ung thư. Ảnh: Dailytimes.
Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đình chỉ lưu hành tất cả loại thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan. Cục Quản lý Dược yêu cầu các công ty đăng ký thuốc, sản xuất thuốc, công ty nhập khẩu cần phối hợp với các nhà phân phối thuốc thông báo thu hồi tất cả lô thuốc này theo danh mục kèm theo tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc.
(Theo Zing)
Ý kiến ()