Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 01/01/2025 23:03 (GMT +7)
Những người ‘thổi hồn’ vào gỗ
Thứ 4, 17/05/2017 | 21:11:00 [GMT +7] A A
Không qua trường lớp, thậm chí không bản vẽ mẫu, nhưng những nghệ nhân tạc tượng tại Kon Tum vẫn có thể biến khúc gỗ vô tri thành những bức tượng sinh động bằng bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú.
Nghệ nhân chuẩn bị tạc tượng. |
A Tân, làng Kon Săm Luh, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), một trong những nghệ nhân tạc tượng giỏi tại địa phương chia sẻ: Để làm ra được một tượng gỗ trải qua rất nhiều công đoạn, cái khó là phải thổi được hồn vào từng khúc gỗ. Mỗi người sẽ tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình nhưng phải thoát ra và đừng bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Nếu ai bị theo khuôn mẫu thì các tác phẩm chỉ có một màu và rất gượng ép.
Với A Tân, một người tạc tượng giỏi không nhất thiết là người tạc được nhiều tượng mà thể hiện những nét tạc khéo léo, khiến cho mỗi bức tượng toát ra thần thái, ý nghĩa. Bởi vậy, không quá coi trọng và chạy theo số lượng hay thời gian, A Tân tập trung trí lực vào sáng tác, khắc họa để mỗi bức tượng toát lên được phần hồn của riêng nó.
Với thâm niên 41 năm tạc tượng gỗ, già A Bình, làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đã biến những khúc gỗ thô sơ thành những bức tượng mang cảm xúc, thể hiện nhịp sống sinh động, gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của người Xê Đăng. Mỗi lần mang một gốc gỗ về, nghệ nhân A Bình dành nhiều thời gian ngắm nghía, hình dung rồi mới bắt tay vào sáng tác.
Nghệ nhân “thổi hồn” vào khúc gỗ. |
Già A Bình có thể làm nhiều hình tượng khác nhau, song người nghệ nhân tài hoa chia sẻ ông vẫn mặn mà với việc đẽo hình chim gỗ treo trên cây nêu trong các lễ hội mừng lúa mới theo phong tục của người Xê Đăng; hoặc tạc những bức tượng để trước nhà rông, nhà mồ… Đến nay, tất cả các bức tượng trước nhà rông trong làng, trong xã đều do già A Bình tạc. Mỗi bức tượng già làm đều giản dị, bình thường, phù hợp với đời sống của người Xê Đăng.
Già A Bình luôn giữ phong thái thong thả, chậm rãi, vừa chiêm nghiệm, vừa sáng tạo. Già cho biết: Ngày nay dù máy đục, máy cắt, cưa… rất hiện đại nhưng già chỉ sử dụng rìu, dao, đục để tự chế tác nên một tượng gỗ. Làm thủ công vất vả hơn, tốn thời gian nhưng chính điều đó sẽ giúp nghệ nhân tạc tượng thêm kiên nhẫn, chú tâm vào từng đường nét, tỉ mỉ trên từng li gỗ.
Chính vì được tạo nên từ các nguyên liệu, cách làm và công cụ thô sơ, các tác phẩm mới toát lên được nét thô mộc vốn có, thể hiện được bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của người Xê Đăng. Già luôn làm bức tượng với tất cả niềm đam mê của mình. Với già A Bình, dù lớn tuổi nhưng tình yêu, sự say mê với làm tượng gỗ không bao giờ vơi đi cùng thời gian.
Ý kiến ()