Thứ Sáu, 10/01/2025 11:09 (GMT +7)

Những tác hại kinh khủng của thuốc lá đối với sức khỏe

Thứ 3, 31/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Những tác hại kinh khủng của thuốc lá đối với sức khỏe

Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) năm nay với chủ đề là “Hãy thực hiện in bao bì thuốc lá trơn”, nhằm giảm tính hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá đối với người tiêu dùng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thế giới hiện có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Trong đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình chiếm tới 82% số người hút thuốc lá trên toàn thế giới và vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Tại Việt Nam, theo một cuộc điều tra toàn cầu được thực hiện ở những người trưởng thành cho thấy: Việt Nam là một trong số 15 nước có số người hút cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%, tức là cứ 2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc.

90% các ca ung thư phổi là do hút thuốc lá

Dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: mỗi năm có khoảng 600.000 người tử vong do thường xuyên phải hít phải khói thuốc lá thụ động.

Các chuyên gia y tế cho biết, với hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động.

Trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính của Hoa Kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.

Theo thống kê của WHO, trong thế kỷ 20 đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người một năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.

Nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện thì trong thế kỷ này sử dụng thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người.

Văn phòng chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá cho rằng: Ở Việt Nam, xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm mới chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện, đến năm 2011 tỷ lệ này tăng lên 62,7%.

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. 28% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các bệnh pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Những tác hại của hút thuốc thụ động

Người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác được gọi là hút thuốc thụ động. Theo BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc như: ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch…

Ở người lớn, tiếp xúc với khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn 25- 30% và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi hơn 20% – 30% so với những người không hít phải khói thuốc. Phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non.

Lời khuyên của các chuyên gia y tế là hãy bỏ thuốc ngay từ hôm nay để không ảnh hưởng tới chính mình và cả những người xung quanh. “Bỏ thuốc lá chỉ mất có 2 tuần là có thể làm được trong khi những bệnh tật phải mất rất nhiều năm để chữa trị, rất tốn tiền kém”, BS Tuấn nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam đã có 40.000 người chết, chi phí hơn 23.000 tỷ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tuy nhiên, người Việt vẫn dành ra 22.000 tỷ đồng mua thuốc hút mỗi năm.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, theo báo cáo của 1.200 bệnh viện gửi về, hiện nay có đến 70 % người bệnh nằm ở các bệnh viện là bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường. Nguyên nhân chính của những căn bệnh nêu trên đã được WHO và các nhà khoa học xác định đó là do hút thuốc lá.

Nếu ai đó có người nhà bị ung thư phổi chỉ sống được 6 tháng đến 1 năm là tối đa. Bệnh ung thư như án tử hình, không chỉ là nỗi đau của người bệnh mà còn là nỗi khổ của người nhà, các thầy thuốc cũng day dứt. Không những thế, chi phí y tế của gia đình và xã hội dành cho họ rất lớn./.

VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu