Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 08:31 (GMT +7)
Nỗ lực đảm bảo nguồn cung điện mùa cao điểm
Thứ 7, 18/05/2019 | 09:17:00 [GMT +7] A A
Đã đăng vào 18/05/2019 lúc 9:17
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thông tin về tình hình cung ứng điện thời gian qua, đồng thời có các giải pháp để đảm bảo điện từ nay đến cuối năm, đặc biệt trong thời điểm nắng nóng sắp tới.
Gặp khó trong cung ứng điện
Theo báo cáo từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), dự kiến từ tháng 5-6, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về các tháng 5-6 tiếp tục kém tại các khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các tháng còn lại, lưu lượng nước về tần suất chỉ khoảng 70%; khả năng cung cấp than/khí không đảm bảo nhu cầu huy động…
Công nhân Công ty Thuỷ điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (DHD) kiểm tra kỹ thuật thiết bị trạm biến áp 110kV dự án điện mặt trời Đa Mi. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc A0 cho biết, nhiều hồ không có khả năng đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du. Cụ thể, các hồ đạt tần suất 65%, không đủ cung cấp nước hạ du đến cuối mùa khô như Hàm Thuận, A Vương, Đăk My 4A, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 2…
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong quá trình vận hành hệ thống điện từ đầu năm đến nay, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt trong tháng 4 vừa qua do thời tiết nắng nóng. Thêm vào đó, tình hình nguồn nước về các hồ thủy điện miền Trung và Nam thấp và nhiều hồ tại miền Nam đã gần về mực nước chết… Do vậy, Tập đoàn gặp khó trong việc tính toán đảm bảo cung ứng điện.
“Trong khi đó, thời gian tới, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao hơn 10%, chủ yếu tập trung ở miền Bắc do thời tiết nắng nóng. Hiện nay, thủy điện chưa thấy dấu hiệu có nước về, ngoài ra, khó khăn về nhiên liệu cũng rất lớn, nguồn khí hiện cũng suy giảm. Về nguồn phát điện, mỗi năm cần thêm khoảng từ 3.500-4.000MW đưa vào hệ thống. Như vậy, giai đoạn 2019-2020 sẽ cần khoảng 10.000 MW công suất điện đưa vào hệ thống nhưng hai năm tới, chỉ dự kiến đưa vào từ 2.000 – 2.500 MW và thêm được 4.000 MW từ năng lượng tái tạo. Điều này gây khó cho việc đảm bảo nguồn cung cấp điện của Tập đoàn”, ông Hải cho hay.
Đại diện A0 cho biết, các cơ chế hiện nay đã khuyến khích thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực điện năng, giảm áp lực trong thu xếp vốn xây dựng các công trình nguồn điện của Chính phủ, các Tập đoàn nhà nước. Tuy nhiện với tình trạng đầy, quá tải các dự án đầu tư, EVN vẫn gặp khó khăn trong xây dựng đường dây, các máy biến áp, gây bất ổn hệ thống, nguy hiểm cho thiết bị.
Tính đến nay, EVN đã đóng điện vận hành thành công khoảng 27 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.500MW. Tuy nhiên, EVN cũng gặp phải khối lượng công việc khổng lồ cần tiếp tục xử lý như đến cuối tháng 6/2019 sẽ đóng điện khoảng 48 dự án điện mặt trời.
Để đảm bảo tiến độ công việc, A0 đã thành lập các tổ công tác, sử dụng số hóa các văn bản, lập trang thông tin điện tử phục vụ đàm phán. Hiện có khoảng 300 nhóm liên quan và từ 5.000-6.000 tin nhắn về thực hiện lắp đặt các dự án.
“Đó là chưa kể đến vấn đề bất định công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo. Theo thống kê các dự án đã vận hành, công suất phát thay đổi từ 60-80% trong khoảng thời gian từ 5-10 phút. Các biến động này xảy ra ngẫu nhiên theo điều kiện thời tiết và các dự án trong cùng một khu vực thường biến động đồng thời. Với sự thay đổi đó, hệ thống điện luôn cần duy trì một lượng công suất dự phòng điều chỉnh tần số tương ứng, gây khó khăn và tăng chi phí trong việc vận hành”, đại diện A0 cho hay.
Nỗ lực đảm bảo nguồn cung
Để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2019 và những năm tiếp theo, hiện nay, EVN đã huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu với giá cao.
Ông Ngô Sơn Hải cho hay, thời gian tới, Tập đoàn tập trung giám sát chặt chẽ vận hành hệ thống điện, tăng độ tin cậy, bám sát lưu lượng nước về các hồ chứa nước. Đồng thời, Tập đoàn cũng nghiên cứu bổ sung than cho việc phát điện. Hiện trong nước cung ứng khoảng 43 triệu tấn, còn lại thì phải nhập 12 triệu tấn than để cấp điện cho các nhà máy điện than.
Riêng với điện mặt trời, về lưới truyền tải, EVN sẽ đẩy nhanh đưa vào hoạt động các dự án lưới. Hiện, một dự án năng lượng mặt trời để đưa vào hoạt động mất khoảng 1 – 1,5 năm, nhưng lưới điện từ khâu xây dựng, giải tỏa… mất khoảng 3-4 năm. Về vấn đề này, EVN đã chủ động tính toán hệ thống, đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch, để thực hiện giải tỏa nguồn cho điện mặt trời.
“Đường dây nào có quy hoạch rồi thì khẩn trương đưa vào vận hành, giải tỏa cho hệ thống điện mặt trời. Mặc dù để đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời còn khó khăn, nhưng EVN vẫn đang rất nỗ lực”, ông Hải nói.
Ngoài ra, EVN cũng đã làm việc với khoảng 2.000 trên khoảng 5.000 khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, để khuyến khích các đơn vị tham gia chương trình tự nguyện, quản lý nguồn cầu phụ tải. Theo đó, các khách hàng doanh nghiệp sẽ chuyển dịch thời điểm sử dụng điện tránh rơi vào các giờ cao điểm để đảm bảo tất cả đều có đủ điện sử dụng và công suất định của hệ thống không vượt lên quá cao, độ an toàn của hệ thống được đảm bảo, tin cậy.
Ông Ngô Sơn Hải cũng cho hay, ngoài việc đảm bảo nguồn cung về năng lượng, EVN cũng khuyến nghị tới khách hàng, người sử dụng điện cần có sự chung tay để đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, điều chỉnh phụ tải; tránh sử dụng điện quá lớn vào các thời gian cao điểm, đảm bảo nguồn điện được cung ứng đầy đủ, ổn định hơn, đặc biệt trong thời gian cao điểm nắng nóng sắp tới…
Ý kiến ()