Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 17/11/2024 03:58 (GMT +7)
Nối dài sự sống, ước mơ của người bệnh từ ghép tế bào gốc
Thứ 4, 31/03/2021 | 16:03:00 [GMT +7] A A
Kể từ ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (năm 2006), đến nay, hàng trăm người đã tìm thấy cuộc đời mới sau khi được ghép tế bào gốc.
Kỹ thuật này đã mở ra hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; trở thành một “cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh lý về máu và chăm sóc sức khỏe con người.
Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường. Ảnh: TTXVN phát
Nối tiếp hy vọng sống
Cách đây 14 năm, cô gái trẻ Dương Ngọc Chiến (Hà Tĩnh) phát hiện khối u to ở bụng, sưng nách. Bác sĩ chẩn đoán, Chiến mắc bệnh ung thư máu. Ở tuổi 15 với biết bao mộng mơ, hoài bão của tuổi học trò, kết luận của bác sĩ như tiếng sét giáng xuống cô gái trẻ. Thanh xuân của Chiến đã trở thành những ngày tháng đầy nước mắt và đau đớn, chỉ “làm bạn” với bệnh viện, thuốc và kim truyền…
Sau 7 năm ròng rã điều trị bằng thuốc, bệnh của Dương Ngọc Chiến ngày càng nghiêm trọng. Cả ngày gần như chỉ nôn, không ăn uống được, cô gái trẻ trở nên gầy rộc. Ở tuổi 22, Chiến đứng trước lựa chọn sinh, tử của bản thân: Ghép tế bào gốc để được sống nếu thành công và trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra nếu cơ thể không phù hợp với mảnh ghép.
Kết quả, Chiến lựa chọn ghép tế bào gốc với nguồn hiến từ người anh trai. Sau ghép, cô gái trẻ nôn ra máu, cơ thể suy kiệt. Bốn tháng đầu, kết quả xét nghiệm gen bệnh vẫn dương tính. Chiến sụp đổ hoàn toàn và đã nghĩ mình không còn duyên nợ với cuộc đời nữa. Nhưng nghĩ đến số tiền cả nhà đi vay để cứu sống mình, cô lại cố gắng chiến đấu với bệnh tật từng ngày.
May mắn đã mỉm cười với Chiến, khi sang tháng thứ 5, các chỉ số xét nghiệm đã tốt lên, Chiến dần hồi phục và có cuộc sống khỏe mạnh, bình thường trong 7 năm qua. Hạnh phúc hơn, Chiến đã tìm được một nửa yêu thương của riêng mình, trở thành cô dâu xinh đẹp, rạng rỡ như những cô gái bình thường khác…
Mắc căn bệnh ung thư máu từ khi mới 3 tuổi, cậu bé Phạm Nguyên Hà (Hà Nội) đã phải trải qua 3 lần ghép tế bào gốc với những đợt điều trị hóa chất dài ngày. Lần thứ nhất, Hà được ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn cộng đồng nhưng thất bại. Lần thứ hai, bé được ghép tế bào gốc từ bố nhưng vẫn không thành công. Không nản chí, gia đình quyết định cho Nguyên Hà ghép tế bào gốc lần thứ ba từ mẹ nhưng kết quả vẫn là sự thất bại.
Những tưởng mọi thứ đã trở nên vô vọng thì mảnh ghép Nguyên Hà nhận từ bố ở lần ghép thứ hai bỗng “mọc” trong cơ thể con. Có lẽ, sự kiên cường đấu tranh của cậu bé đã khiến phép màu trở thành sự thật.
Sau khi ghép thành công, Nguyên Hà vẫn phải đến viện thường xuyên để truyền máu và tiểu cầu nhưng dần dần những lần đến viện được giãn ra. Sau 2 năm ghép tế bào gốc, Nguyên Hà giờ đã khỏe mạnh hơn, con đã đi học và có thể chơi đùa với các bạn…
Phương pháp điều trị triển vọng
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) cho biết, tế bào gốc có khả năng phân chia để sinh ra bản thân nó hoặc sinh ra các tế bào biệt hóa hơn. Từ đó, hình thành các tế bào chức năng trong cơ thể, các cơ quan, bộ phận; phát triển lên một cơ thể; duy trì, sửa chữa các vấn đề trong cơ thể…
Ghép tế bào gốc được chỉ định để điều trị một số nhóm bệnh lành tính (tan máu bẩm sinh – Thalassemina; suy tủy xương; đái huyết sắc tố…) và ác tính (ung thư máu, rối loạn xương tủy, đa u tủy xương, u lympho…).
Nhận thức về vai trò quan trọng của tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về huyết học, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã sớm triển khai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Năm 2006, Viện thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương và thành công tốt đẹp. Đến tháng 5/2008, Viện tiếp tục thành công với ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên, đánh dấu kỷ nguyên mới trong việc đưa ghép tế bào gốc trở thành phương pháp điều trị đầy triển vọng đem lại cơ hội khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Quế cũng cho biết, tế bào gốc có thể lấy từ nhiều nguồn như phôi, thai, máu dây rốn của trẻ sơ sinh hay mô cơ thể trưởng thành… Tuy nhiên, tế bào gốc máu dây rốn được ứng dụng rộng rãi nhất do có nhiều ưu điểm: là tế bào “non trẻ” có khả năng sinh sản rất lớn; việc thu thập đơn giản, dễ dàng; khả năng phù hợp cao nên có thể sử dụng để ghép cho những người không cùng huyết thống…
Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân không tìm được tế bào gốc phù hợp để ghép từ người thân, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã triển khai Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam (tháng 5/2015). Viện cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống), đem lại cơ hội hồi sinh cho những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.
Hiện nay, Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện đang lưu giữ khoảng 5.300 mẫu; trong đó khoảng 4.000 mẫu thu thập từ cộng đồng và khoảng 1.300 mẫu được lưu giữ theo yêu cầu. Các tế bào này đều có chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn quốc tế, đã có nhiều mẫu được sử dụng để chữa cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) Võ Thị Thanh Bình cho biết, tính từ ca ghép tự thân đầu tiên năm 2006, đến tháng 3/2021, Viện đã thực hiện được khoảng 465 ca ghép tế bào gốc, gồm cả ghép tự thân; ghép đồng loài. Viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp (haplotype), ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn…
Nhằm giúp người bệnh có thêm thông tin, kiến thức về ghép tế bào gốc, cuối năm 2020, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ra mắt Câu lạc bộ Bệnh nhân ghép tế bào gốc dựa trên nguyện vọng của bệnh nhân và trăn trở của các y, bác sỹ. Tham gia Câu lạc bộ, bệnh nhân được cập nhật kiến thức chăm sóc trước, trong và sau quá trình ghép. “Ngôi nhà chung” này được hy vọng sẽ trở thành điểm tựa, tiếp thêm động lực tinh thần cho các bệnh nhân; là cầu nối để đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh ghép.
Không chỉ đem lại hiệu quả trong việc điều trị những bệnh lý về máu, kỹ thuật ghép tế bào gốc đang được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý và độ tuổi khác nhau. Nhờ phương pháp này, hàng trăm người tưởng như đã tuyệt vọng vì không còn cơ hội sống nay như được “cải tử hoàn sinh”. Ghép tế bào gốc thực sự đã trở thành phép nhiệm màu giúp nối dài sự sống và ước mơ cho nhiều người.
https://baotintuc.vn/y-te/noi-dai-su-song-uoc-mo-cua-nguoi-benh-tu-ghep-te-bao-goc-20210331083055782.htm
Ý kiến ()