Chủ Nhật, 29/12/2024 06:41 (GMT +7)

Nóng bỏng “tranh luận màu da” trước thềm Oscar 2016

Thứ 7, 30/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trước thềm lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar 2016, giới phê bình lẫn người hâm mộ môn “nghệ thuật thứ 7” đang bị cuốn vào một cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh câu chuyện “Giải Oscar toàn người da trắng”.

Gần như ngay lập tức sau khi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ công bố tên của 20 diễn viên được đề cử cho lễ trao giải Oscar năm nay, trong đó tất cả đều là người da trắng, làn sóng từ khóa (hashtag) #OscarSoWhite (Giải Oscar toàn người da trắng) xuất hiện vào mùa Oscar 2015 một lần nữa xuất hiện trở lại và gây bão trên mạng xã hội Twitter. Phản ứng dữ dội này là hệ quả của việc mùa Oscar 2016 là năm thứ hai liên tiếp không có người da đen nào hoạt động trong lĩnh vực này nhận được đề cử.

Vợ chồng nhà Smith tại lễ trao giải Oscar 2014. Ảnh: AP

Mặc dù trên thực tế có những bộ phim về người Mỹ gốc Phi như “Straight Outta Compton” và “Creed” nhận được đề cử Oscar. Hơn thế nữa, như đổ thêm dầu vào lửa, những đề cử cho các bộ phim này lại dành cho các nhà biên kịch da trắng của “Straight Outta Compton” và diễn viên da trắng Sylvester Stallone ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim “Creed”. Trong khi đó, các đạo diễn người Mỹ gốc Phi và diễn viên da màu chỉ đứng “ngó nghiêng ngoài cuộc chơi”. Sự phẫn uất biến thành hành động và ngày càng có thêm nhiều diễn viên và nhà làm phim kêu gọi tẩy chay lễ trao giải Oscar 2016 dự kiến diễn ra ngày 28/2. Có thể kể đến những cái tên như đạo diễn Spike Lee, gia đình Smith gồm nữ diễn viên Jada Pinkett Smith và chồng Will Smith…

Trước phản ứng đả kích màu da lan tràn trong truyền thông, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ với phần lớn thành viên là người da trắng cũng nhanh chóng có động thái nhằm làm hạ nhiệt cơn bão “hashtag” này bằng đề nghị đưa ra những thay đổi. Cùng với việc rà soát lại các quy định về tư cách thành viên bỏ phiếu, một số thành viên lớn tuổi không còn hoạt động trong ngành này có thể sẽ mất quyền bầu chọn. Viện Hàn lâm cũng cam kết tăng gấp đôi số thành viên là phụ nữ và các dân tộc ít người trước năm 2020, dựa trên con số thực tế hiện nay có 96% là người da trắng và 71% là đàn ông.

“Chín người mười ý”

Trước cuộc tranh luận về màu da tại đề cử Oscar 2016, bà Maud Adams, 70 tuổi, từng đảm nhận vai “Bond girl” trong hai tập phim về Điệp viên 007 James Bond “The Man With the Golden Gun” (Sát thủ với khẩu súng vàng) và “Octopussy” (Vòi Bạch tuộc) cho rằng, dù có nhiều diễn viên tài năng rất xứng đáng không được đề cử song đây không phải là câu chuyện mới của lễ trao giải Oscar. Theo bà, việc đưa ra các đề cử không phải là một môn khoa học chính xác và sắc tộc của diễn viên không phải là một nhân tố chi phối lá phiếu bình bầu. Cũng theo bà Adams, Viện Hàn lâm của ngày hôm nay dù phần lớn là người da trắng song lại sở hữu những thành viên có đầu óc tự do và cởi mở nhất. Trong khi đó, nam diễn viên 85 tuổi David Huddleston, nổi tiếng với vai diễn trong “The Big Lebowski” (Bá tước Lebowski) cho rằng trọng tâm vấn đề là việc ngành công nghiệp này và Viện Hàn lâm nên tập trung vào việc tạo ra những kịch bản có chất lượng hơn nữa cũng như đào tạo ra những lứa diễn viên tài năng hơn cho môn nghệ thuật thứ bảy.

Cùng góp tiếng nói trong vấn đề này, nam diễn viên 86 tuổi Jerry Hardin chia sẻ: “Sắc tộc không can dự đến việc tôi đưa ra lá phiếu bình chọn. Giải Oscar của Viện Hàn lâm là một nỗ lực vinh danh và công nhận tài năng của một bộ phim cũng như cách kể chuyện. Chủng tộc và sự chính xác về chính trị không có chỗ trong quá trình này cũng như không nên có vị trí trong quá trình này”. Theo quan điểm của ông, Viện Hàn lâm nên tiếp tục ghi nhận những người mang tài năng xuất chúng vào các bộ phim và những lá phiếu bình chọn sẽ vẫn phải được dành cho nơi nó thuộc về. “Ngành công nghiệp này đầy rẫy những người tài năng không được công nhận bằng một giải thưởng Oscar và ý nghĩ việc bình chọn tài năng phải được lọc qua vấn đề sắc tộc và giới tính để có tính hợp lệ là ngu xuẩn”, ông Jerry Hardin nói.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng đối tượng bị chỉ trích của cuộc tranh luận không nên là Viện Hàn lâm mà chính là ngành công nghiệp điện ảnh bởi Viện Hàn lâm chỉ có nhiệm vụ chọn lựa từ những gì sẵn có. Thay vào đó, chính các hãng phim ít ký hợp đồng với người Mỹ gốc Phi để đảm nhận vai trò là đạo diễn hay diễn viên trong những bộ phim lớn của Mỹ mới thực sự là khu vực cần thay đổi. Theo tờ “Economist”, người da đen chiếm 12,6% dân số Mỹ và 10% các đề cử Oscar kể từ năm 2000 thuộc về các diễn viên da đen. Tuy nhiên, chỉ có 9% người da đen đảm nhận những vai trò hàng đầu trong các đề cử kể từ năm 2000. Những con số này chỉ ra rằng, dù ngành công nghiệp điện ảnh chắc chắn không phản ánh được sự đa dạng sắc tộc của nước Mỹ, song quá trình sàng đen lọc trắng không diễn ra phía sau những cánh cửa đóng kín của Viện Hàn lâm, mà chính ở các trường kịch và văn phòng tuyển mộ diễn viên.

Anh Minh (Tổng hợp)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu