Tất cả chuyên mục

Trồng trọt, chăn nuôi tự phát, ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu không còn là câu chuyện mới. Nông dân đã không ít lần kêu cứu, nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. “Cơn sốt” nhàu trên địa bàn tỉnh Long An vào năm 2019 và tình trạng ế ẩm hiện nay tiếp tục là một bài học đắt giá cho việc sản xuất theo phong trào.
Anh Thảo đốn bỏ hàng trăm cây nhàu dù rất xót
Đốn bỏ chính là số phận chung của hàng chục ngàn cây nhàu tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Anh Lê Văn Thảo trồng xen canh 200 gốc nhàu trong vườn nhà. Thế nhưng, cây cho trái đã tròn 1 năm vẫn không ai thu mua dù anh Thảo kêu bán với giá rẻ bèo. Hết hy vọng, anh đành phải phá bỏ.
Anh Thảo chia sẻ:”Cũng xót chứ, tại công chăm sóc này kia mà, bây giờ mình bỏ ngang thấy cũng hơi đau lòng nhưng để vậy hoài không có thu hoạch được, không có lợi nhuận cho gia đình nên thôi, quyết định bỏ để chuyển qua cây khác”
Nhàu là loại cây hoang dại, dễ trồng, được biết đến như một loại dược liệu. Vào năm 2019, trái nhàu “sốt” giá, thương lái săn lùng mua cả trái già lẫn non. Thấy việc thu lợi từ trái nhàu khá cao nên nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa tận dụng bờ bao, thậm chí là đầu tư tiền của lên liếp trồng nhàu tính chuyện làm giàu. Người trồng ít cũng vài trăm gốc, người trồng nhiều lên đến vài ngàn gốc. Trong đó, chỉ có số ít hộ dân được thương lái hứa hẹn sẽ bao tiêu sản phẩm, còn lại đều chạy theo thị trường mà làm liều. Nhưng dù là hình thức nào thì hiện tại trái nhàu đều không có đường tiêu thụ.
Nhàu tiếp tục cho trái trên cây…
…nhàu chín rụng dưới gốc
Bà Phan Thị Đành ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh cho biết: “Ông xã tui ổng cũng nghe ai đồn 15.000 hoặc tệ lắm cũng 10.000/kg, cái ổng đi mua về ổng trồng. Bây giờ có ai mua đâu, hỏng ai mua hết trơn, ổng đòi chặt bỏ”
Anh Lê Văn Thảo cho biết thêm: “Lúc trước ai cũng phấn khởi thấy thu nhập nó nhiều, mừng quá làm quá chưa suy nghĩ tới hậu quả. Nên bây giờ nghĩ lại, chắc là lúc đó người ta lừa mình. Mình cũng thấy được và rút được kinh nghiệm, tới đây muốn thay đổi cái gì, muốn làm cái gì thì cũng phải tìm hiểu, có nguồn gốc rõ ràng hoặc có tiêu thụ rõ ràng”
Không có người mua, người dân đành đốn bỏ
Trước đây khi trái nhàu tăng giá bất thường, các địa phương đã khuyến cáo người dân không nên vội vàng chuyển đổi sang trồng nhàu. Song vì lợi nhuận đem lại khá cao nên nhiều hộ vẫn đua nhau trồng để bây giờ nhận trái… đắng. Đây là bài học “xương máu” để nông dân cần tỉnh táo trước khi quyết định chuyển đổi cây trồng, tránh lặp lại ‘điệp khúc buồn’ trồng rồi chặt.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()