Tất cả chuyên mục

Nếu như cùng thời điểm này những năm trước, nước lũ đã trắng xóa trên các cánh đồng, mang lượng phù sa dồi dào bồi đắp cho đồng ruộng. Nhưng hiện tại, nước lũ chẳng thấy đâu, các cánh đồng khô hạn, cỏ dại mọc um tùm, gây khó khăn cho vụ sản xuất đông xuân 2020-2021 sắp tới của nông dân.
Ngồi trầm ngâm nhìn cánh đồng đầy lúa chét và cỏ dại phía sau nhà, anh Lê Văn Hải, ấp Cả Cát, xã Vĩnh Lợi không giấu được vẻ lo lắng cùng tiếng thở dài. Theo anh, những năm gần đây, càng ngày lũ càng về muộn và thấp hơn cùng kỳ năm trước. Năm rồi, vào thời điểm này, nước lũ đã trắng xóa trên các cánh đồng, ruộng của anh ngập lũ từ 5 – 6 tấc. Sau khi cho đất ngâm lũ khoảng hơn một tháng, anh tiến hành đắp bờ ruộng, cày trục đất, phun thuốc diệt chuột, diệt ốc bươu vàng và sau đó là chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Nhờ có lũ mà việc sản xuất của anh cùng nhiều nông dân trên địa bàn xã được thuận lợi hơn rất nhiều; lượng sâu bệnh và chi phí sản xuất cũng giảm đáng kể. Còn năm nay, nước lũ về muộn và dâng lên chậm nên thời gian ngâm lũ của đồng ruộng ít hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mầm móng sâu bệnh còn lưu tồn trong đất nhiều; lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng ít và chi phí cho vụ đông xuân sẽ tăng cao hơn.
Cỏ dại mọc um tùm trên các cánh đồng
Ông Nguyễn Văn Thủy, ấp Cả Sách, xã Vĩnh Lợi cũng có cùng nỗi lo khi lũ không về. Theo kinh nghiệm của một lão nông nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, ông Thủy cho rằng: lũ càng cao nguồn lợi càng nhiều, nhất là là lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, do đó năm nào lũ cao năm đó chắc chắn trúng mùa. Cách đây hơn nửa tháng, thấy nước lũ bắt đầu dâng lên, ông Thủy khấp khởi vui mừng và sau đó tiến hành cày xới 8 hecta đất để chuẩn bị cho ruộng ngâm lũ, tiêu diệt cỏ dại và sâu bệnh. Thế nhưng nước lũ dâng lên được vài ngày là có dấu hiệu chững lại và sau đó rút xuống dần. Số diện tích đã cày xới nhưng không được ngâm lũ nên cỏ dại mọc um tùm; còn 2 hecta đất chưa cày xới cũng toàn lúa chét và cỏ dại, do đó sắp tới ông phải tốn thêm chi phí cày trục đất.
Các diện tích đất đã cày xới đang chờ được ngâm lũ
Mùa lũ năm 2019 ruộng của anh Lê Hiệp Tài, ngụ ấp Cái Môn, xã Vĩnh Thạnh bị ngập khoảng 5 tấc. Anh đã cho ruộng ngâm lũ hơn 1 tháng mới tiến hành làm đất, vệ sinh đồng ruộng và xuống giống vụ đông xuân 2019-2020. Cùng thời điểm này năm trước, anh Tài đang tất bật ngoài ruộng để xịt thuốc, bón phân cho cây lúa. Còn hiện tại, lúa hè thu đã thu hoạch xong hơn cả tháng và 11 hecta đất cũng đã được anh cày xới để chuẩn bị cho vụ đông xuân tới, vậy mà chẳng thấy lũ đâu. Nhìn cánh đồng khô cạn và cỏ dại mọc um tùm khiến anh không khỏi lo lắng và đợi chờ lũ về từng giờ. Theo anh Tài, năm nay lũ về muộn và dâng lên chậm, nên thiệt hại trong sản xuất là điều khó tránh khỏi. Bởi nếu lũ thấp thì phù sa về ít, đồng ruộng không được rửa sạch phèn và mầm móng sâu bệnh; không tiêu diệt được cỏ dại; chuột và dịch hại xuất hiện gây hại nhiều hơn, làm tăng chi phí sản xuất lúa cho nông dân.
Lũ về muộn và thấp, nông dân đối mặt với nhiều khó khăn trong vụ đông xuân tới
Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hưng: Hiện mực nước lũ trên địa bàn huyện Tân Hưng đang lên xuống lên theo triều và thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Với mực nước thấp như hiện tại, hầu hết các cánh đồng trên địa bàn huyện Tân Hưng đều khô hạn, gốc rạ phơi vàng, lúa chét và cỏ dại mọc um tùm, làm nông dân lo lắng, bất an. Lũ về muộn và thấp như hiện nay cũng làm thay đổi mùa vụ khi nhiều nông dân thấy không có lũ nên đã tự phát gieo sạ lúa vụ 3. Việc gieo sạ liên tục 3 vụ lúa trong năm, không cho đất nghỉ ngơi sẽ làm cho đất bị bạc màu, năng suất lúa thấp và khả năng lan truyền mầm bệnh sang vụ đông xuân là rất cao. Ngoài ra, lũ về muộn và thấp còn gây ra những hệ lụy khác như: Hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sản xuất…
Nước lũ về muộn và dâng lên chậm, gây khó khăn cho nông dân trong vụ sản xuất đông xuân 2020-2021 sắp tới. Nông dân Tân Hưng đang ngóng lũ về từng giờ để việc sản xuất được thuận lợi và đạt kết quả cao.
Trúc Quyên
Ý kiến ()