Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 17/11/2024 05:54 (GMT +7)
Ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng mức độ nguy hiểm rất cao, khó kiểm soát
Thứ 3, 01/06/2021 | 15:17:00 [GMT +7] A A
“Ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng đã trải qua 4 -5 chu kỳ lây nhiễm, đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát”, đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh ngày 1/6.
Sẽ còn có thêm một số ổ dịch không rõ nguồn lây
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 211 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng, trong đó đã có 200 trường hợp được Bộ y tế công nhận.
TP Hồ Chí Minh ghi nhận 211 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến Hội thánh.
Thành phố đã điều tra, xác minh được 3.028 người tiếp xúc gần và 15.200 người tiếp xúc khác, đã xét nghiệm mở rộng cho 181.004 người. Hiện 20/22 địa phương đã có ca bệnh, chỉ còn Quận 11 và huyện Cần Giờ chưa xuất hiện ca bệnh.
Giám đốc Sở Y tế cũng cho rằng, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh, nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong Thành phố là rất cao; thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh, thành lân cận.
Đánh giá về ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh đã lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho toàn người dân quận Gò Vấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trường hợp mắc bệnh đầu tiên có triệu chứng từ ngày 13/5, nhưng đến 13- 14 ngày sau ngành y tế mới phát hiện. Đối với chủng virus này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, khoảng 2 -3 ngày, thậm chí có thể ngắn hơn.
“Như vậy, chúng ta đã để mất từ 4-5 chu kỳ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Vì vậy, chuỗi lây nhiễm Hội thánh đã lây lan theo cấp số nhân”, ông Nguyễn Thanh Long phân tích.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, việc truy vết dù thực hiện tốt, nhưng chắc chắn là rất khó khăn. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh chứ không dừng lại 200 ca như Bộ Y tế công bố và có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây.
“Biến chủng virus SARS-CoV-2 lần này không phải lây qua đường nước bọt, mà là lây qua đường không khí. Và không chỉ khiến số lượng người nhiễm nhiều hơn đợt dịch lần trước, mà biến chủng lần này còn khiến bệnh nặng hơn, xuất hiện các ca tử vong”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm.
Hiện TP Hồ Chí Minh đã lên phương án 5.000 ca mắc nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị thành phố phải nâng lên; đồng thời phải chuẩn bị kịch bản mức cao hơn vì chủng virus Anh, Ấn Độ lây nhiễm rất nhanh, nhiều ca nặng.
Huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày
Nguy cơ lớn tại những Khu công nghiệp, Khu chế xuất
Theo ông Nguyễn Thanh Long, tại các Khu công nghiệp, Khu chế chế xuất, người lao động không thể làm việc trực tuyến, mà phải làm việc trực tiếp, gây nguy cơ rất lớn.
“Hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại các cao ốc, văn phòng. Nguy cơ xâm nhập mầm bệnh vào các Khu công nghiệp, Khu chế xuất rất lớn. Phải bảo vệ chặt chẽ, chống lây nhiễm ở những nơi này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, tuy đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 toàn quận Gò Vấp, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn phải thực hiện nghiêm hơn nữa, vì COVID-19 không còn lây theo chuỗi mà qua đường không khí.
Nguy cơ lây nhiễm trong khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn.
“Chúng ta đảm bảo hoạt động sản xuất, nhưng phải tăng tốc các biện pháp kiểm soát. Tùy vào mức độ của từng địa phương để áp dụng các biện pháp cao hơn, truy vết phải triệt để. Truy vết càng triệt để bao nhiêu, càng sớm bao nhiêu, thì càng đỡ gánh nặng bấy nhiêu”, ông Nguyễn Thanh Long nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị thành phố tăng cường quản lý công nhân, thực hiện giãn cách; cần thiết thì cho cách ly tập trung ở một số khu nhà ở công nhân. Nếu xác định nơi nào không đảm bảo an toàn, thì cho dừng sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi xác định nguy cơ cao tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất tập trung đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao các địa phương tổ chức các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đúng bộ tiêu chí phòng chống dịch áp dụng cho doanh nghiệp. Thành phố sẽ chấn chỉnh các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, chọn một số doanh nghiệp để chuẩn bị phương án vừa cách ly, vừa sản xuất.
Theo Sở Y tế TP, có một số người sinh hoạt Hội thánh này cũng làm việc tại các công ty trong Khu công nghiệp. Đến nay, Thành phố cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp là Khu Công nghiệp Tân Bình, Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc – Hóc Môn.
Đồng thời, tối ngày 30/5, phát hiện 1 trường hợp dương tính tại Long An, là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9, thành phố Thủ Đức) có 1.082 người lao động.
Về tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế cho biết, những đơn vị trên phải tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm để qua đó phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch.
Trong vận hành sản xuất, mỗi doanh nghiệp chủ động điều chỉnh để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tự xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể của chính đơn vị mình cho các tình huống dịch có thể xảy ra, phối hợp y tế địa phương xử lý. Khi có ca bệnh xuất hiện trong khu công nghiệp thực hiện phong tỏa tạm thời cơ sở có ca bệnh để truy vết thần tốc, triệt để.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/dich-benh/o-dich-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-muc-do-nguy-hiem-rat-cao-kho-kiem-soat-20210601133444692.htm
Ý kiến ()