Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 20:07 (GMT +7)
Ô tô nhập khẩu thuế suất 0% và sức ép cho doanh nghiệp nội
Thứ 5, 15/03/2018 | 14:46:00 [GMT +7] A A
Trước thông tin hơn 2.000 xe ô tô Honda nhập khẩu từ Thái Lan vừa cập cảng Việt Nam vào đầu tháng 3, nhiều người dân kỳ vọng giá bán ô tô sẽ rẻ bởi đây là lô hàng ô tô đầu tiên được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%.
Cơ hội mua ô tô giá rẻ?
Đây là mức thuế được thực hiện từ ngày 1/1/2018 theo Hiệp định thương mại tự do của các nước ASEAN. Theo đó, việc này sẽ giúp cho giá bán của một số dòng xe ô tô nhập khẩu từ ASEAN giảm xuống đáng kể và đây chính là điều mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã mong đợi từ lâu.
Ngay sau khi lô ô tô đầu tiên hưởng thuế nhập khẩu 0% cập cảng, Honda Việt Nam đã công bố mức giá bán lẻ giảm tối đa khoảng 200 triệu đồng. Hiện đã có 950 chiếc được chuyển về cảng Hải Phòng cho thị trường phía Bắc, 1054 chiếc còn lại dự kiến tháng 5 sẽ chào sân thị trường TP Hồ Chí Minh và phía Nam. Những ngày qua, lượng khách hàng đến đăng ký mua xe ô tô nhập khẩu tại các đại lý của Honda tăng mạnh.
Ngoài Honda, các hãng xe ô tô khác như Ford, Toyota… cũng đang xúc tiến để nhập khẩu nhiều dòng xe được sản xuất tại các nước ASEAN (chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia) và tất nhiên giá cả sẽ rất cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.
Theo nhiều chuyên gia, so với mức thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN năm 2017 là 30% thì với mức 0% hiện tại, sẽ ít nhiều có những tác động tích cực lên thị trường ô tô ở Việt Nam. Cơ hội sở hữu một chiếc “xế hộp” giờ đã nằm trong tầm tay của nhiều gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên, LS.TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, không dễ có giá rẻ cho ô tô nhập khẩu có thuế suất 0% tại Việt Nam. Bởi hiện nay, có nhiều chính sách mới được ban hành sẽ là cản trở cho việc giảm giá của xe nhập khẩu. Trong đó, Nghị định 116/2017 quy định điều kiện kinh doanh ôtô, đề xuất của Bộ Tài chính về thuế thu nhập đặc biệt và đề xuất thuế nhập khẩu linh kiện là một điển hình.
Theo đó, vấn đề mà các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó “hàng đầu” là “Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài” rất khó đáp ứng. Trên thực tế, loại giấy trên không tồn tại ở nhiều quốc gia, nơi chính quyền áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận.
Hoặc ở một số nước, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp giấy chứng nhận chất lượng loại này nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống Việt Nam. Do vậy, quy định này đang gây nhiều khó khăn cho nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra xe theo từng lô nhập khẩu cũng khiến các doanh nghiệp kêu khó. Bởi cùng một loại xe nhưng nếu nhập về Việt Nam ở những thời điểm khác nhau, vẫn buộc phải kiểm định chất lượng khí thải, an toàn như lô xe đầu.
Ngoài ra, việc thử nghiệm một mẫu xe có thể kéo dài tới hai tháng, chi phí lên đến 10.000 USD cho mỗi lần thực hiện. Điều này khiến các xe khác trong cùng lô xe nhập phải nằm chờ ở cảng, chi phí lưu kho, bảo dưỡng vì thế tăng lên, dẫn đến giá xe nhập khẩu khó giảm như kỳ vọng.
Doanh nghiệp nội có bị loại khỏi cuộc chơi?
Trước sức ép của ô tô nhập khẩu thuế suất 0%, liệu doanh nghiệp nội có trụ nổi tại sân nhà?. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Không chỉ có vậy, việc đưa các dòng thuế nhập khẩu ô tô về 0% trong năm 2018 sẽ mang đến không ít thách thức cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Bởi theo chuyên gia Bùi Quang Tín, với các áp lực như hiện tại của các chính sách về thuế nhập khẩu từ 30% về 0%, cạnh tranh và hội nhập, các nhà sản xuất sẽ buộc phải đặt mình trước quyết định mới.
Một là sắp xếp lại hệ thống sản xuất hoặc là tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trong nước, hay chấp nhận rút lui hoạt động sản xuất khỏi thị trường Việt Nam và chuyển sang thương mại đơn thuần. Tuy nhiên, một nhược điểm ngành sản xuất ô tô Việt Nam đang vấp phải là phần lớn các doanh nghiệp mới thực hiện ở mức độ lắp ráp đơn giản.
Cụ thể, dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Theo đó, tính cạnh tranh của các doanh nghiệp ô tô trong nước là rất thấp so với các thương hiệu ô tô nước ngoài khi mà họ chủ động được nhiều thứ hơn.
Sự thất bại của Vinaxuki là một ví dụ điển hình về hệ quả trực tiếp của một chiến lược và xác định mục tiêu phát triển không chuẩn. Điều này khẳng định tầm quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển của ngành ôtô là điều kiện tiên quyết, quyết định sự thành công hay thất bại của ngành công nghiệp này.
Mặc dù vậy, trong xu thế hội nhập và “luật chơi” của các hiệp định thương mại toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia, cũng như nhu cầu của người dân khi đời sống ngày càng phát triển, thì việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam với mức thuế 0% là điều tất yếu. Vấn đề là doanh nghiệp nội sẽ làm gì để vượt qua những thách thức trước sự cạnh tranh khốc liệt này.
Theo chuyên gia Tín, để gỡ khó cho doanh nghiệp nội, vai trò của Chính phủ rất quan trọng. Bên cạnh việc giảm thuế nhập khẩu bộ linh phụ kiện ô tô về 0% đã áp dụng từ năm 2018 để giúp các nhà sản xuất nội địa có thể giảm chi phí sản xuất, Chính phủ cần có kế hoạch và giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô nội địa để đảm bảo sản xuất của các doanh nghiệp sau thời điểm năm 2018. Chỉ có tồn tại và phát triển được mới có thể nghĩ đến sân chơi lớn hơn của quá trình hội nhập.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đảm bảo một hệ thống chính sách ổn định đối với ngành công nghiệp ô tô thì mới có thể đảm bảo tăng trưởng bền vững đối với sản lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường. Để hiện thực hoá, Chính phủ cần đẩy mạnh xúc tiến hướng tới sản xuất trong nước và phát triển công nghiệp phụ trợ.
Ý kiến ()