Thứ Ba, 24/12/2024 06:58 (GMT +7)

Phạm Văn Đồng – Nhà văn hóa lớn của dân tộc

Thứ 4, 02/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Với vốn văn hóa phong phú và sâu sắc, vươn tới tầm cao tri thức văn hóa của dân tộc, suốt bảy mươi lăm năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đưa những tri thức rộng rãi mình có ra phục vụ dân tộc, đem lại cho đất nước những lợi ích thiết thực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển phong phú, đa dạng của nền văn hóa dân tộc.

Ngòi bút sắc bén
Sinh ra trong thập niên đầu của thế kỷ XX, từ nhỏ đồng chí Phạm Văn Đồng đã được tiếp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp về lịch sử, văn hóa của gia đình, quê hương, dân tộc. Ông có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa dân tộc; vốn kiến thức rộng rãi về văn hóa thế giới. Học giỏi tiếng Pháp từ thời Quốc học Huế, đồng chí Phạm Văn Đồng dùng vốn ngôn ngữ đó như một công cụ rất quan trọng để nắm bắt văn học, triết học Pháp và văn hóa phương Tây; nắm vững các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm xưởng sản xuất vật liệu xây dựng của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (năm 1969). Ảnh: TTXVN

Từ đó, đồng chí Phạm Văn Đồng bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp một cách vững vàng, tự tin và nhanh chóng trở thành một trong những học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc). Mười năm đầu trên con đường cách mạng đầy chông gai (1926-1936), chủ yếu là đấu tranh trong nhà tù đế quốc, nhưng đồng chí Phạm Văn Đồng đã tỏ rõ là một nhà văn hóa sắc sảo, gắn đấu tranh lý luận với hoạt động thực tiễn. Với vốn hiểu biết sâu rộng, đồng chí Phạm Văn Đồng có nhiều đóng góp to lớn trong việc giúp đỡ các đồng chí tù học tập văn hóa, lý luận, đặt cơ sở cho hoạt động báo chí, một lĩnh vực quan trọng của văn hóa.

Trên lĩnh vực báo chí, cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng ngòi bút như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”. Ngay sau khi được trả tự do, bị quản thúc ở quê nhà, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tích cực viết bài cho Tạp chí Đỏ, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, xuất bản bí mật. Sau đó, khi ra Hà Nội hoạt động, liên lạc được với tổ chức Đảng và nhóm trí thức yêu nước Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, với bút hiệu Đông Tây hoặc không ký tên, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết nhiều bài cho các báo Tin tức, Le Travail, Notre voix…

Năm 1941, sau khi về nước triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo xuất bản báo Việt Nam độc lập. Khoảng 30 số đầu do Người trực tiếp phụ trách. Trong thời gian Người sang Trung Quốc và bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Hoa bắt giam và cho đến trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách tờ báo, trực tiếp viết và biên tập nhiều bài. Đây là công việc chính trong thời gian đồng chí Phạm Văn Đồng hoạt động ở Cao Bằng. Với lối viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu theo phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng viết nhiều bài xã luận, những vấn đề có tính thời sự trong nước và quốc tế. Theo chỉ thị của Bác, để giữ bí mật, các bài viết không ký tên, không ai biết.

Những bài báo do đồng chí Phạm Văn Đồng viết không chỉ có tác dụng tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật, giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc, nêu cao tấm gương các vị anh hùng dân tộc, ca ngợi thắng lợi của Liên Xô và các lực lượng đồng minh…, mà còn góp tiếng nói quan trọng vào cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Bác. Đến ngày 20/8/1945, báo Việt Nam độc lập ra được 126 số, trong đó đồng chí Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo gần 100 số. Sau tờ Thanh niên, đây là tờ báo có số lượng phát hành lớn thứ hai trong thời kỳ bí mật; là tờ báo tồn tại lâu nhất trong điều kiện Đảng ta chưa nắm được chính quyền.

Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng là một nhà giáo dục lớn. Trong di sản giáo dục của đồng chí Phạm Văn Đồng có một hạt ngọc lung linh tỏa sáng, đó là quan điểm “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất”. “Nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất, vì nó sáng tạo những con người sáng tạo”. Những cống hiến của đồng chí Phạm Văn Đồng cho ngành giáo dục nước nhà trước đây còn nguyên ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn hiện nay. Đó là những ý kiến tích cực về nội dung và phương pháp giảng dạy; về việc chăm lo cơ sở vật chất cho nhà trường để “trường ra trường, lớp ra lớp”. Dành nhiều thời gian đi thăm các trường phổ thông nội, ngoại thành Hà Nội, dự một số giờ dạy của giáo viên môn văn, sử, địa cấp học phổ thông, đồng chí Phạm Văn Đồng rất không hài lòng về kiểu dạy học thầy nói, trò chép, không đối thoại, không cần suy nghĩ, chỉ bắt chước, nhớ giỏi, nhớ nhiều và làm theo.

Là người đứng đầu Chính phủ, dự giờ dạy học, đồng chí Phạm Văn Đồng muốn gửi tới tất cả chúng ta một thông điệp quan trọng, đó là giáo dục phải luôn được coi là vấn đề đại sự quốc gia. Trong những thập kỷ sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, đồng chí Phạm Văn Đồng có nhiều đề xuất mang tầm chiến lược cho giáo dục Việt Nam đến những vấn đề rất cụ thể như chữ viết, việc học văn, dạy văn, chấm bài văn của học sinh. Liên quan đến quan điểm đưa đất nước “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, Phạm Văn Đồng cho rằng “muốn như vậy thì giáo dục phải đi trước một bước”.

Nhiều cuốn sách có giá trị

Đồng chí Phạm Văn Đồng đặc biệt quan tâm tới văn học, nghệ thuật, nhấn mạnh chức năng của văn nghệ là “hiểu biết, khám phá, sáng tạo”, muốn thế phải có vốn chính trị, vốn sống, vốn văn hóa – nghệ thuật. Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và các nhà khoa học, đồng chí Phạm Văn Đồng có cách ứng xử hết sức nhân văn, gần gũi, thân tình, chia sẻ, khuyến khích trao đổi học thuật, bám sát thực tiễn, sáng tạo, tránh kinh viện.

Nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng để lại nhiều công trình khoa học xã hội nhân văn có giá trị, đặc biệt là các tác phẩm nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm Hồ Chí Minh, hình ảnh của dân tộc, tháng 8/1948, được coi là một trong những tác phầm đầu tiên nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh, đặt cơ sở cho ngành Hồ Chí Minh học. Cuốn “Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp” (1990); cuốn “Hồ Chí Minh, quá khứ, hiện tại và tương lai” (1991); cuốn “Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh” (1993); cuốn “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh” (1998); cuốn “Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc” (2012)… được coi là những tác phẩm tiêu biểu nhất nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh một cách có hệ thống, toàn diện và sâu sắc. Từ việc nghiên cứu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, năm 1970, đồng chí Phạm Văn Đồng đặt vấn đề xây dựng môn “Đạo đức học” làm cho môn này “trở nên một ngành khoa học xã hội, một môn học không thể thiếu được trong các trường đại học và giáo dục phổ thông”.

Đặc biệt, năm 1994, ở tuổi gần chín mươi, đồng chí Phạm Văn Đồng viết cuốn “Văn hóa và đổi mới”. Có nhà nghiên cứu coi đây là “di chúc” của một người đã làm Thủ tướng trên 30 năm với tất cả những thăng trầm, trải nghiệm trong những hoàn cảnh cam go nhất của cách mạng để thực hiện giải phóng, phát triển và đổi mới đất nước, đặc biệt về mặt văn hóa. Cái “lớn” của nhà văn hóa Phạm Văn Đồng được nhìn nhận ở nhiều lát cắt khác nhau nhưng có một khía cạnh nổi bật, đó là cách nhìn của ông về văn hóa với tầm nhìn bao quát rằng: Văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa, như vậy hai là một, một thành hai.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu