Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 14:48 (GMT +7)
“Phân luồng lại” khám chữa bệnh BHYT: Liệu có lãng phí?
Thứ 5, 11/05/2017 | 10:26:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Ngày 15/5 tới, BHXH tỉnh Đồng Nai sẽ thu lại toàn bộ thẻ BHYT đã cấp cho người dân “sai tuyến”. Việc làm này liệu có lãng phí?
Theo thông báo từ Bảo hiểm Xã hội thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, từ ngày 15/5 tới đây sẽ thu lại toàn bộ thẻ BHYT đã cấp cho người dân “sai tuyến” – tức là đăng ký khám chữa bệnh tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Sau đó, người dân được cấp thẻ BHYT mới với nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là trạm y tế xã phường, trung tâm y tế huyện, phòng khám đa khoa và các bệnh viện tư nhân.
Thông báo này lập tức gây phản ứng với cả người dân, doanh nghiệp và các bệnh viện liên quan. Sẽ chỉ còn 4 đối tượng được đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện tuyến tỉnh của Đồng Nai gồm: người từ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, cán bộ thuộc diện tỉnh ủy quản lý, những người đang điều trị bệnh dài ngày theo thông tư 46/2016 của Bộ Y tế (gồm 53 loại bệnh). Các trường hợp khác sẽ phải thu hồi, sau đó cấp lại với nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến dưới.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH Đồng Nai khẳng định, việc phân tuyến lại nơi đăng ký bảo hiểm y tế từ tuyến tỉnh về tuyến cơ sở là phù hợp với quy định tại thông tư 40/2015 của Bộ Y tế.
Theo ông Mến, các y tế tuyến cơ sở và các bệnh viện tư nhân hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Quan điểm của cơ quan BHXH hội rất rõ, sẽ chuyển đổi dần dần những thẻ đăng ký chưa đúng tuyến của bệnh viện Đồng Nai, bệnh viện Thống Nhất xuống các bệnh viện tuyến dưới.
“Trung tâm y tế Biên Hòa, còn 3 bệnh viện tư nhân và gần 30 phòng khám tư nhân, trang thiết bị kỹ thuật tương đối hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cũng rất là tốt”- ông Mến cho biết.
Giám đốc BHXH Đồng Nai cũng nhấn mạnh, việc phân tuyến lại là cần thiết để tránh bội chi quỹ bảo hiểm y tế, giảm quá tải cho bệnh viện tỉnh và giảm chi phí cho người dân, vì phần chi trả của người khám chữa bệnh ở y tế tuyến cơ sở thấp hơn tuyến tỉnh.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã được xây mới và đưa vào sử dụng từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, trở thành một trong những bênh viện có quy mô hàng đầu ở khu vực phía Nam.
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khẳng định, việc “phân tuyến” lại BHYT có thể phát sinh nhiều bất cập.
Bác sĩ Tuấn cho biết, năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện Đồng Nai hiện đang phục vụ 4.500 đến 5.000 lượt khám ngoại trú mỗi ngày và gần 2.000 giường bệnh nội trú. Bệnh viện hoàn toàn không quá tải. Việc thay đổi theo thông báo của BHXH sẽ làm giảm ít nhất 30% lượng người đến khám chữa bệnh tại đây.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho rằng, nên mở rộng diện được khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện này.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta có thể nới ra diện các bệnh mãn tính hoặc là chúng ta tăng cường cán bộ hưu trí trên 80 tuổi, thay vì tăng cường cán bộ hưu trí trên 60 tuổi, hoặc là một số đối tượng có nhu cầu và đã từng khám tại bệnh viện. Có nhiều cách nhưng phụ thuộc vào cách BHXH điều tiết”.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) hiện mỗi ngày khám chữa bệnh cho trên 2.000 lượt bệnh nhân ngoại trú và đang được xây dựng, mở rộng để trong tương lai gần sẽ có khoảng 1.000 giường nội trú. Câu hỏi đặt ra là liệu thay đổi của BHXH tỉnh Đồng Nai có gây lãng phí khi khả năng sẽ không sử dụng hết năng lực của bệnh viện tuyến tỉnh?
Ở điểm b, khoản 1, điều 9 thông tư 40 của Bộ Y tế quy định rõ: Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc BHXH tỉnh có thể thống nhất các trường hợp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh và tương đương.
Do vậy, địa phương này hoàn toàn có thể chủ động cân nhắc, phân bổ hợp lý để tránh lãng phí ở 2 bệnh viện tuyến tỉnh vốn được đầu tư xây dựng hiện đại, quy mô lớn, có đội ngũ y bác sĩ đủ năng lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân./.
Xuân Lượng/VOV-TPHCM
Ý kiến ()