Thứ Sáu, 18/07/2025 20:52 (GMT +7)

Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Thứ 6, 18/07/2025 | 15:13:13 [GMT +7] A  A

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) được xem là “phao cứu sinh” giúp người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả từ nguồn vốn vay

Năm 1985, vợ chồng ông Hùng, bà Hồng rời quê hương Tân Trụ lên xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng (nay là xã Vĩnh Hưng, tỉnh Tây Ninh) lập nghiệp. Với bản tính cần cù, chịu khó và sự hỗ trợ của các chính sách Nhà nước dành cho người đi vùng kinh tế mới, gia đình ông vươn lên thành hộ khá ở địa phương.

Ông Hùng nuôi vịt đẻ chạy đồng. Ban đầu, mô hình này mang lại thu nhập cao nhưng chỉ được thời gian ngắn lại thua lỗ nặng. Vợ chồng ông bán hết ruộng đất, thậm chí vay nợ khắp nơi để duy trì đàn vịt đẻ. Song, càng nuôi càng lỗ, gia đình từ hộ khá thành hộ nghèo của xã.

Chuồng heo của nhà ông Hùng
Chuồng heo của nhà ông Hùng

Vợ ông Hùng cho biết: “Thua lỗ quá, tôi tính cho 3 đứa con nghỉ học đi làm thuê, kiếm tiền trả nợ. Thế nhưng, đứa nào cũng ham học. Đang loay hoay chưa biết tính sao thì gia đình được Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Hưng (nay là PGD NHCSXH Vĩnh Hưng) cho vay vốn học sinh, sinh viên và hộ nghèo. Từ số tiền này, tôi có điều kiện cho các con đi học, có vốn chăn nuôi heo. Đến nay, gia đình tôi thoát nghèo và các con ăn học thành tài, có việc làm ổn định”.

Dù đã thoát nghèo, vợ chồng ông Hùng, bà Hồng vẫn tiếp tục duy trì mô hình nuôi heo sinh sản. Hiện đàn heo của gia đình được 4 con heo nái, hơn 20 con heo lứa. Cứ một tháng rưỡi là có 1 lứa heo tơ xuất chuồng - khoảng 10 con. Trừ hết các chi phí, hàng năm vợ chồng bà Hồng có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Một trường hợp khác, hai vợ chồng lớn tuổi, các con đều lập gia đình và ở riêng, ông Phụng và vợ luôn ấp ủ ý định chăn nuôi thỏ nhằm có thêm thu nhập. Biết được mong muốn của gia đình ông, Hội Nông dân xã Vĩnh Bình (nay là xã Vĩnh Hưng) tạo điều kiện cho ông Phụng tiếp cận nguồn vốn vay từ Chương trình Giải quyết việc làm. Tại đây, ông được hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư con giống, thức ăn và làm chuồng cho thỏ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp ông Phụng phát triển mô hình chăn nuôi thỏ
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp ông Phụng phát triển mô hình chăn nuôi thỏ

Gia đình ông Phụng đang nuôi gần 30 con thỏ nái sinh sản, gần 300 con thỏ thương phẩm. Thỏ nái đẻ 4-5 lứa/năm, mỗi lứa từ 3-4 con, thỏ con nuôi hơn 4 tháng, đạt trọng lượng từ 2,2-2,4kg là xuất bán với giá 80.000-90.000 đồng/kg.

Bình quân mỗi tháng, ông Phụng bán thỏ thương phẩm cho các nhà hàng, quán ăn từ 30-50 con, có khi lên đến 100 con. Sau khi trừ các chi phí, mô hình nuôi thỏ đem về lợi nhuận gần 10 triệu đồng/tháng.

Đối với người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì việc được hỗ trợ vốn kịp thời là “chìa khóa” để phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Thông suốt, ổn định, sẵn sàng phục vụ người dân

Từ ngày 01/7/2025, chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, hệ thống NHCSXH cũng tiến hành sáp nhập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Sau khi sáp nhập giữa Chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An và Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh cũ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh mới có tổng nguồn vốn đạt được gần 11.892 tỉ đồng; tổng doanh số cho vay đạt gần 2.680 tỉ đồng, với hơn 52,8 ngàn lượt khách hàng vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt gần 1.775 tỉ đồng;…

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam và UBND tỉnh, Chi nhánh NHCSXH Tây Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch để vận hành, triển khai, thực hiện, bảo đảm vốn tín dụng chính sách được liên tục, thông suốt, không gián đoạn tại một số xã, phường sau sáp nhập.

Điểm giao dịch tại xã Trà Vong không thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Điểm giao dịch tại xã Trà Vong không thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân

Cụ thể, trước khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, PGD NHCSXH Tân Biên có 9 điểm giao dịch tại các xã. Thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, 9 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 4. Tuy nhiên, điểm giao dịch tại các xã vẫn giữ nguyên, không thay đổi. Điều này tạo thuận lợi và hài lòng cho người dân khi đến làm các giao dịch.

Ông Trần Văn Cho - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp 1, xã Trà Vong, chia sẻ: “Tổ tôi có tổng dư nợ hơn 700 triệu đồng, với hơn 40 hộ vay. Đa số các hộ vay đều lớn tuổi, không biết chạy xe gắn máy, trong đó có nhiều hộ đi làm thuê, do đó, PGD NHCSXH Tân Biên duy trì điểm giao dịch cũ, chúng tôi rất mừng, giảm phiền hà cho người vay. Trường hợp dời về điểm giao dịch mới, người dân mất thời gian, bởi số lượng giao dịch tăng lên gấp đôi và thời gian di chuyển xa, phải chờ đợi”.

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Ánh Hồng khẳng định: Hiện tại, các hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các PGD luôn được bảo đảm thông suốt, ổn định, không bị gián đoạn trong cung ứng các nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tập trung một số nhiệm vụ: "Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về các quyết định của cấp trên liên quan đến hoạt động NHCSXH; tham mưu kiện toàn Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh kịp thời đúng quy định của Trung ương để tiếp tục chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; duy trì triển khai tốt hoạt động giao dịch xã, không để gián đoạn hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Trung ương và địa phương giao; tập trung hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2025; tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn tại địa phương, tạo nguồn lực bền vững để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác,…"./.

Kim Ngọc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu