Thứ Sáu, 07/02/2025 13:00 (GMT +7)

Phát triển cây cao su ở Đức Hòa, nên hay không?

Thứ 2, 02/07/2018 | 18:21:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 02/07/2018 lúc 18:21

Trước nay, nói đến cây cao su, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất bazan như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước….Nhưng trong những năm qua, cây cao su liên tiếp được trồng mới và gia tăng diện tích tại huyện Đức Hòa, Long An. Với sự chuyển đổi cây trồng này, liệu có mang lại hiệu quả kinh tế như người dân kỳ vọng?

Trước đây, người dân xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa trồng hoa màu nhưng giá cả bấp bênh, thường xuyên mất mùa nên không ít người “mạo hiểm” chuyển đổi sang cây cao su. Và anh Huỳnh Công Long là một trong những người tiên phong “thử nghiệm” với loại cây trồng này. Khu vườn của anh rộng 1,5 hecta với hơn 900 gốc cao su đã cho khai thác được 7 năm.

Anh Huỳnh Công Long (trái) ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chia sẻ: “Hoa màu nếu làm trên miến đất rộng như vầy thì sao làm nổi, trong khi cao su thì gia đình tôi làm thôi cũng đủ làm, khỏi mướn ai hết. Giá bây giờ thì hơi thấp, còn chừng 8000 đến 13000 đ/kg thôi, không bằng lúc trước đâu. Nhưng coi vậy chứ nó vẫn khá hơn mấy thứ cây trồng khác, như trồng hoa màu đi, nếu trúng cũng được thôi, nhưng thất giá thì cũng mệt. Có đôi khi trồng 1 lần trúng, 5 7 lần thất rồi tính tới tính lui giá trị nó cũng không bằng cao su”

Cao su là cây công nghiệp dài ngày, mất 5 năm mới có thể khai thác mủ. Trước đây, mủ cao su có giá khá cao nhưng hiện mức giá này giảm xuống chỉ còn từ 8 đến 13 ngàn đồng/kg. Mặc dù giá thấp nhưng hiệu quả kinh tế của cao su lại cao và ổn định hơn hẳn các loại hoa màu khác tại địa phương.

Với lợi thế mà người dân thấy được, nên diện tích cao su liên tục phát triển nhanh, từ 6 hecta năm 2005 lên 120 hecta ở thời điểm hiện tại. Toàn huyện Đức Hòa có trên 160 hộ trồng cao so thuộc địa bàn 5 xã: Lộc Giang, An Ninh Đông, Đức Lập Thượng, Đức Hòa Hạ và Tân Mỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Điệp cùng ngụ xã Tân Mỹ thì 1 hecta trồng đậu phộng chỉ cho thu nhập mỗi năm khoảng 35 triệu đồng nhưng cũng trên diện tích này ông có thể thu lợi nhuận đến 120 triệu đồng nhờ cây cao su. Ông cho biết: “Thấy người ta làm mình làm theo, tự ở nhà trồng, coi trên kia chỉ kiểu cách về đây tự trồng luôn, cạo mủ như vầy 1 ngày cũng kiếm 300-400. Tui thấy tất cả cây trồng ở đây, bây giờ có cây cao su là hiệu quả nhất”.

Trước đây, mủ cao su có giá khá cao nhưng hiện mức giá này giảm xuống chỉ còn từ 8 đến 13 ngàn đồng/kg.

Dù rằng, huyện Đức Hòa có nền đất nông nghiệp cao hơn so với các huyện khác của tỉnh nhưng đây không phải là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển bền vững của cây cao su. Trong khi, đa số diện tích cây cao su hiện tại của huyện đều trồng trên nền đất lúa, hoa màu hoặc vườn tạp nên thấp và dễ ngập úng.

Hiện tại, cây cao su không được định hướng phát triển và cũng không nằm trong qui hoạch nông nghiệp của tỉnh nên chưa có nghiên cứu, thử nghiệm nào, do đó nếu tiếp tục trồng tự phát sẽ có thể gây bất lợi cho nông dân.

Thực hiện: Duy Huệ – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu