Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 23:25 (GMT +7)
Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại
Thứ 7, 23/01/2021 | 13:58:00 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Xây dựng xác định hướng phát triển ngành đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế…
Nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Theo đó, nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách hành chính đã phát huy tác dụng và hiệu quả tích cực.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021 mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ, ngành xây dựng cả nước đã kịp thời quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình hành động, công tác toàn khóa và chuyên đề, với các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể.
Bộ Xây dựng cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan quản lý công trình xây dựng tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, góp phần tạo chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Xây dựng đặt ra cho giai đoạn mới là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, liên kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng vùng. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm hiệu quả đầu tư và cân bằng lợi ích của các chủ thể, nhất là đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng tập trung theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên những dự án quan trọng, công trình lớn, thiết yếu, nhất là tại các đô thị có tiềm năng phát triển và giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng, ách tắc giao thông.
Cùng đó, triển khai có hiệu quả các định hướng, chiến lược, đề án, chương trình về hạ tầng kỹ thuật đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; huy động mọi nguồn lực thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Nam Trung Bộ trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng tác động sâu rộng.
Đáng chú ý, công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được áp dụng; thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đáng giá về sức bật trong lĩnh vực xây lắp của ngành thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, lực lượng thi công xây dựng Việt Nam đã tiến bộ rất lớn, vươn lên nhóm hàng đầu khu vực khi xây được công trình thuộc Top cao nhất thế giới như tòa nhà Landmark 81 cao 81 tầng. Điều này chứng tỏ xây dựng không chỉ đạt trình độ khu vực, phát triển về tốc độ và doanh thu mà còn có sự “thay da đổi thịt” ngay trong lòng công trình.
Hiện nay, các lĩnh vực xây dựng công nghiệp, thủy lợi, giao thông, doanh nghiệp nội vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, khẳng định vị thế trong việc phát triển hạ tầng và sắp tới sẽ thêm có nhiều công trình hạ tầng mang tầm cỡ quốc tế.
Điển hình như việc tỉnh Quảng Ninh dự kiến làm đường hầm qua biển, dưới cầu Bãi Cháy để thông hai bờ. Hiện VACC cũng đang kết nối để nhà thầu Việt Nam sát cánh cùng nhà thầu quốc tế thực hiện dự án – ông Hiệp chia sẻ.
Thực tế cho thấy, các công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản khi vận dụng đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó tạo ra sức cạnh tranh mãnh liệt để các doanh nghiệp vươn lên khẳng định mình.
Đặc biệt, hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân, cổ phần trong lĩnh vực xây dựng và ngày càng phát triển nhanh chóng, lớn mạnh trên nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Họ hiểu rằng, nếu bản thân không vươn lên, không tạo được sức mạnh nhất định từ khâu tổ chức, kỹ thuật, quản lý… thì sẽ không tồn tại được – ông Hiệp phân tích.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Đảng ủy Bộ Xây dựng xác định chủ đề hoạt động là “Năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp” theo phương hướng phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng trong việc lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Xây dựng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; tập trung lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Các mục tiêu cụ thể được Bộ Xây dựng đặt ra cho năm 2021 là tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 6 – 8%/năm. Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 26 – 27 m2 sàn/người và tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%.
Cùng đó, duy trì tỷ lệ 100% phủ kín quy hoạch chung đô thị; tỷ lệ lập quy hoạch phân khu đạt 100% diện tích đất xây dựng đô thị; tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết đạt 100% diện tích đất xây dựng đô thị; 100% xã thuộc huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới được lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã và thực hiện quản lý theo quy hoạch được duyệt; quy hoạch chung đô thị được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu và đến năm 2025 hoàn thành đối với đô thị loại II, III.
https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-ha-tang-do-thi-dong-bo-hien-dai-20210123092027392.htm
Ý kiến ()