Thứ Tư, 01/01/2025 20:57 (GMT +7)

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại Ninh Thuận

Thứ 4, 31/07/2019 | 09:17:00 [GMT +7] A  A

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất nắng, biển xanh còn hoang sơ cộng với sắc màu đa văn hóa của các dân tộc, tỉnh Ninh Thuận đầu tư, khai thác phát triển du lịch hiệu quả. Đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng đang từng bước được nhân rộng.

Du lịch cộng đồng ở Ninh Thuận thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Du lịch cộng đồng là loại hình du khách chọn nhà dân làm nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí để tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, tham gia các hoạt động, trải nghiệm cùng với người dân bản địa. Đây là nét mới trong phát triển du lịch nói chung, từng bước tạo đột phá quan trọng, thu hút ngày càng đông người dân địa phương cùng liên kết, tham gia làm du lịch sinh thái một cách bền vững.

Tại Ninh Thuận, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, biến những mảnh đất thuần nông trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách đến thưởng ngoạn, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục, tập quán đặc trưng.

Các mô hình homestay Inra Jaka; Khu du lịch văn hóa và sinh thái sen Charaih ở làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước); mô hình cánh đồng hoa Thì Là; làng nho Thái An ( huyện Ninh Hải); phim trường Du Long, Peace Home (ở huyện Thuận Bắc)… đã, đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách tới tham quan, chụp ảnh, kết nối các chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, tỉnh hiện có 50 di tích văn hóa lịch sử vật thể và phi vật thể; trong đó có 12 di tích cấp Quốc gia, hai di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Đồng thời, địa phương còn là vùng đất đa sắc màu văn hóa của các dân tộc, cùng với tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội truyền thống như: Lễ hội Katê, Lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm; Lễ bỏ mạ của đồng bào Raglai… mang đậm màu sắc bản địa, tạo cho Ninh Thuận sản phẩm du lịch khác biệt.

Bên cạnh đó, lợi thế của nắng và gió cũng đã tạo cho địa phương phát triển mạnh các sản phẩm đặc thù như: Nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây xanh, dê, cừu…, gắn với những danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao của Vườn quốc gia Phước Bình, Vườn quốc gia Núi Chúa…. Các sản phẩm này từng bước bổ trợ làm nên thương hiệu du lịch Ninh Thuận nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng.

Làng nho thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, trước đây hơn 30 hộ dân chỉ biết trồng nho và xuất bán cho thương lái với giá thành trên dưới 25.000 đồng/kg nho tươi. Nhận thấy lượng du khách ngày một quan tâm nhiều hơn đến loại cây trồng đặc thù này, người dân thôn Thái An đã mạnh dạn đầu tư, mở hướng làm du lịch sinh thái vườn nho để giới thiệu với du khách về loại cây trồng đặc biệt chỉ có ở Ninh Thuận, giới thiệu về cách trồng, chăm sóc, thu hoạch nho gắn với thưởng thức, bán các sản phẩm được chế biến từ nho. Từ đó, du lịch vườn nho đang dần trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Người dân làng nho thôn Thái An có thêm nguồn thu nhập từ du lịch, góp phần nâng cao đời sống.

Du lịch cộng đồng ở Ninh Thuận đang thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm

Tận dụng điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi dưới chân đèo Ngoạn Mục, năm 2018, UBND huyện miền núi Ninh Sơn đã triển khai xây dựng mô hình du lịch vườn trái cây Lâm Sơn với diện tích khoảng 600 ha để thu hút du khách đến tham quan.

Hiện nay, vườn trái cây Lâm Sơn đang bước vào mùa cao điểm du lịch, ngày thường thu hút từ 200 đến 300 khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức đặc sản trái cây của địa phương, tạo thu nhập đáng kể cho nhà vườn.

Từ hiệu quả mang lại, UBND huyện Ninh Sơn đang có giải pháp hỗ trợ người dân thực hiện mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn quả; hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trái cây và văn hóa, ẩm thực của người dân địa phương đến với du khách.

Bên cạnh đó, huyện đang xem xét, có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các chủ vườn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng đầu tư, nâng cấp các dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, du lịch của du khách.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có, đồng thời tạo thuận lợi, hỗ trợ kinh phí phát triển du lịch cộng đồng, năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2022 tại các điểm gồm: Làng du lịch sinh thái dân tộc Raglai ở huyện Bác Ái; làng du lịch, làng nho Thái An ở huyện Ninh Hải; hợp tác xã làng nghề gốm, làng nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm; vùng trồng rau an toàn, vùng trồng nho an toàn ở huyện Ninh Phước; vùng cây ăn trái xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn.

Các địa điểm trên sẽ được tỉnh hỗ trợ đầu tư về hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ du lịch cộng đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn trị giá 20 triệu đồng/nhà; xây dựng nhà vệ sinh trị giá 10 triệu đồng/nhà; cải tạo cảnh quan trị giá 5 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các thôn, bản với kinh phí khoảng 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống thu gom rác thải, các biển báo chỉ dẫn; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng làm du lịch và khoảng 300 triệu đồng cho mỗi địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch.

Có thể nói, tiềm năng, lợi thế vốn có đã, đang tạo động lực cho loại hình du lịch cộng đồng ở Ninh Thuận tiếp tục phát triển một cách bền vững, tạo tiền đề quan trọng để các địa phương trong tỉnh hình thành, nhân rộng thêm nhiều mô hình mới với những cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm thay đổi đời sống đồng bào.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu