Thứ Bảy, 18/01/2025 13:46 (GMT +7)

Phát triển nghề khai thác viễn dương

Thứ 3, 27/06/2017 | 10:36:00 [GMT +7] A  A

Ngày 26/6, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội nghị góp ý Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước.

Các loại hải sản được tập kết ở cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cùng đại diện lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9 tỉnh có tàu cá hoạt động nghề cá ở nước ngoài tham dự gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu; các doanh nghiệp chế biến thủy sản và ngư dân.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đề án phải trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này. Việc hoàn thành đề án nhằm nâng cao năng lực của ngành thủy sản Việt Nam, không chỉ mạnh trong nước mà vươn ra khai thác ở nước ngoài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện đề án theo ý kiến đóng góp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc phê duyệt đề án sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngư dân sớm đưa tàu ra nước ngoài khai thác, chế biến thủy sản.

Theo lộ trình, từ nay đến nay 2020 sẽ làm điểm đưa mô hình liên kết doanh nghiệp và ngư dân đi các nước Brunei, Papua New Guine và Micronesia để khai thác, sản xuất và tiếp đến giai đoạn 2020 đến 2025 sẽ đưa ngư dân khai thác ở các nước khác có ký kết thỏa thuận hợp tác đánh bắt thủy sản với Việt Nam.

Trên kết quả đàm phán với các nước cũng như phân tích các cơ hội khả năng hợp tác, thời gian tới ngư dân, doanh nghiệp của Việt Nam sẽ khai thác, chế biến thủy sản tại Brunei, Papua New Guine và Micronesia (đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương).

Trong đó, Brunei đã ghi nhớ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác thủy sản; nuôi trồng thủy sản và chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện tại Việt Nam và Brunei đã đạt được thỏa thuận hợp tác khai thác với 2 ngành nghề chính là câu và lưới vây đuôi.

Papua New Guinea thỏa thuận hợp tác ở nghề vây, nghề câu cá ngừ và cá đáy và một số nghề khai thác hải sâm. Tương tự Mironesia và Việt Nam sẽ hợp tác trong nghề lưới vây, nghề câu cá ngừ và cá đáy và một số nghề khai thác hải sâm.

Nếu ngư dân tham gia khai thác ở nước ngoài tại 3 nước trên, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% nguyên liệu chuyến đi và 70% hỗ trợ nhiên liệu chuyến về; hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ hỗ trợ vay tín dụng để mua ngư lưới cụ, trang thiết bị bảo quản với hạn mức tối đa 90% giá trị, lãi suất cho vay 7%/năm.

Trong khuôn khổ đề án sẽ tập trung 3 dự án lớn, theo đó, dự án thiết lập hệ thống thông tin, giám sát và chỉ dẫn cho đội tàu khai thác hải sản ở ngoài vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế sẽ triển khai trong năm 2017-2018, với kinh phí 100 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện dự án nâng cấp, cải hoán, hiện đại hóa 150-200 tàu khai thác xa bờ hiện đại của các tỉnh tham gia, với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2025, dự án lớn nhất là đóng mới khoảng 100 đến 150 tàu khai thác hải sản dịch vụ hậu cần hiện đại, đủ điều kiện hoạt động an toàn nhiều ngày trên biển, với nguồn vốn khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp chế biến, ngư dân băn khoăn cho đầu ra của sản phẩm thủy sản sau khai thác , các chính sách thuế và các ưu đãi được hưởng, điều kiện để hợp tác đánh bắt tại Brunei và những thủ tục cần thực hiện.

Ngư dân và doanh nghiệp kiến nghị cần ra một bộ mẫu để dễ dàng thực hiện; xây dựng bản đồ ngư trường chi tiết, xây dựng mô hình khai thác trên vùng biển như thế nào cho thích hợp ở vùng biển nước ngoài…

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, về bảo hiểm cần có sự liên kết giữa bảo hiểm trong nước và nước bạn để tái bảo hiểm cho tàu thuyền ngư dân. Hiện nay, chi phí cấp giấy phép ở nước bạn rất lớn để khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ.

Hoàng Nhị (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu