Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 07:52 (GMT +7)
Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Thứ 2, 28/09/2020 | 15:47:00 [GMT +7] A A
Sáng 28/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 28 – 30/9), tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Ủy ban sẽ cho ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, giai đoạn 2016 – 2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; dự kiến đề xuất các kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách năm 2021, giai đoạn 2021 – 2025 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Ủy ban cũng cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 – 2020; Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2019.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Các lĩnh vực lớn thuộc 2 Bộ (Y tế và Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện đã có các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị của Ban Bí thư như vấn đề tiền lương và bảo hiểm xã hội, y tế, dân số, người có công, phòng chống ma túy… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban tập trung thảo luận để có quan điểm rõ ràng trong việc thực hiện nội dung này, không chỉ đánh giá chung chung mà còn phải định hướng, tham mưu, tổ chức thực thi.
Trong phiên làm việc sáng 28/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mục đích xây dựng dự án Luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Về quan điểm chỉ đạo, dự thảo Luật thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống HIV/AIDS; khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 13 năm thực hiện Luật; bảo đảm quyền của người nhiễm HIV đồng thời khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Dự thảo Luật gồm 3 Điều; sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách: Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và Bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.
Dự thảo Luật bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người có quan hệ tình dục với họ để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó; giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.
Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ.
Cụ thể “người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS thuộc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp” được thông báo kết quả xét nghiệm HIV để thống kê, đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng của họ.
Những người được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV gồm: Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS; Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội khi trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV;
Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi trực tiếp thực hiện việc thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV”. Đồng thời, dự thảo Luật quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; cho rằng dự án Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo dự án Luật phù hợp với tinh thần Điều 14 Hiến pháp về một số quy định liên quan đến quyền bảo vệ bí mật cá nhân; rà soát tính đồng bộ, thống nhất dự án Luật với các quy định của Luật hiện hành, các dự án Luật mà Quốc hội đang sửa đổi, bổ sung như Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Liên quan đến việc bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm thuận tiện trong điều trị cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị. Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu rõ, việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa mục tiêu quản lý Nhà nước nhưng cũng phải bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt quyền bảo mật thông tin cá nhân và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.
“Qua giám sát của Ủy ban cho thấy, có một số nhóm đối tượng có thể tiếp cận hoặc biết được thông tin tình trạng nhiễm HIV của người khác khi thực hiện chức trách, công vụ, để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Có những đối tượng được phép tiếp cận hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân trong đó có thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người bệnh… Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo tiếp cận nhóm vấn đề này một cách bao quát hơn, không để phát sinh những hệ luỵ pháp lý bất lợi cho các chủ thể liên quan”, ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh và cho biết Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ hai.
Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không thể lấy lý do bí mật đời tư để làm giảm nhẹ vai trò quản lý Nhà nước, vì quản lý Nhà nước ở đây là để phòng, chống lây nhiễm, giảm nguy cơ cho xã hội bởi khi một người nhiễm HIV thì nguy cơ lây nhiễm là hiện hữu”. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ đồng tình với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và nhận định, việc bổ sung này nhằm phục vụ phần đông người dân trong xã hội – những người chịu nguy cơ rủi ro.
Cũng trong phiên họp sáng 28/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
https://baotintuc.vn/chinh-tri/phien-hop-toan-the-lan-thu-18-uy-ban-ve-cac-van-de-xa-hoi-cua-quoc-hoi-20200928140907107.htm
Ý kiến ()