Cùng dự về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.
Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã cùng trao đổi về những ưu tiên lớn của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc hiện nay. Hai bên nhất trí cần thúc đẩy, tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả hai thỏa thuận lớn, mang tính lịch sử liên quan đến lĩnh vực phát triển là Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội đàm với Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jan Eliasson. (Ảnh: VGP/Hải Minh) |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu mà người dân ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và nhất là Đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu do đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử hơn 90 năm qua. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cảm ơn Liên Hợp Quốc đang cùng cộng đồng quốc tế tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp do Chính phủ Việt Nam đề ra.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã trao đổi với Phó Tổng Thư ký về tình hình khu vực và diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định luôn theo dõi sát tình hình, diễn biến Biển Đông; cho rằng việc giảm căng thẳng phù hợp với lợi ích của các bên liên quan; mong muốn các bên liên quan kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và cần thúc đẩy để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Liên Hợp Quốc dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và của Liên Hợp Quốc, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.
Ông Jan Eliasson bày tỏ ấn tượng về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau 30 năm đổi mới; đánh giá cao những đóng góp trách nhiệm, có hiệu quả của Việt Nam tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, trong đó có việc đảm nhiệm tốt vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế – Xã hội Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2016-2018, tham gia vào các nỗ lực nhằm cải tổ Liên Hợp Quốc và cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Kết thúc hội đàm, hai bên nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc để đưa quan hệ đi vào chiều sâu./.
Ý kiến ()