Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 04:08 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo họp khẩn cấp ứng phó cơn bão số 10
Thứ 5, 14/09/2017 | 15:37:00 [GMT +7] A A
Hệ thống đê biển chỉ chịu được bão cấp 9-10, nhưng bão số 10 được dự báo cấp 11 -12, giật tới cấp 15. Do vậy, các địa phương có đê biển phải đặc biệt lưu ý khi bão đổ bộ vào đất liển.
Họp khẩn triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 10. |
Sáng 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn, trực tuyến với các với các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo khoảng trưa chiều mai (15/9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Chiều nay (14/9) vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (15/9) tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ từ đêm nay có gió mạnh dần lên cấp 6-7, gần sáng và ngày mai tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).
Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày mai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3). Sóng vùng tâm bão cao 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng do bão có khả năng cao 1m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2m. Đi vào phía Bắc Đèo Ngang hoặc phía Nam Đèo Ngang, có xu hướng mạnh lên, cấp 12 giật cấp 15. Khi vào đất liền có thể bão cấp 12, giật cấp 15. Trưa chiều mai bão sẽ đi vào vùng biển miền Trung.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, cơn bão hình thành trên biển Đông hướng thẳng vào đất liền, cường độ lớn, gây mưa giông trên diện rộng. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi tất cả các tỉnh thành để tập trung các giải pháp ứng phó.
Dự kiến đường đi của bão số 10. |
Theo đại diện Bộ Tư Lệnh Bộ đội biên phòng, khu vực từ Quảng Ninh tới Khánh Hòa có gần 70.000 phương tiện, 287.000 người đang hoạt động trên biển. Những phương tiện này đã nắm được thông tin về bão số 10.
Còn trong khu vực nguy hiểm từ 13 -19 độ vĩ Bắc, có 4.600 phương tiện đang hoạt động, cũng đã nắm được thông tin. Tuy nhiên, còn 4 phương tiện và 38 người chưa liên lạc được, bao gồm: tàu của tỉnh Ninh Bình và 3 tàu của Thanh Hóa; vẫn đang tiếp tục liên lạc.
Lực lượng biên phòng đã yêu cầu các đơn vị dừng mọi hoạt động không cần thiết để ứng phó với bão số 10. Tiếp tục liên lạc với các phương tiện, tăng cường kiểm tra các khu neo đậu, bến bãi, nhất là các phương tiện ở cửa sông.
“Đề nghị các địa phương tập trung cao độ để ứng phó với bão số 10 theo chỉ đạo của Chính phủ. Muộn nhất là đêm nay phải đưa các phương tiện tàu bè vào tránh trú. Chỉ đạo cảnh báo về lưu thông trên quốc lộ 1, tránh ùn tắc giao thông. Sẵn sàng phương tiện để cứu hộ. Bên lực lượng kiểm ngư, tuyệt đối không để người dân ở lại trên lồng bè, tàu cá”, đại diện Bộ Tư Lệnh Bộ đội biên phòng cho biết.
Tại cuộc họp, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết, đã cử cán bộ xuống các địa bàn bám sát tình hình, cấm tàu thuyền ra khơi từ sáng 14/9; triển khai trực ban từ tỉnh tới cơ sở.
Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được lệnh di chuyển về nơi trú ẩn. Với diện tích Lúa hè thu và lúa mùa 95.000 ha, đã thu hoạch 100% lúa hè thu, lúa mùa thu hoạch 30%. Có 20.700 ha nuôi trồng thủy sản, lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp xuống kiểm tra. Các công trình thủy điện đang vận hành bình thường, tiếp tục theo dõi tình hình mưa. Tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiểm cứu nạn cho tàu cứu hộ công suất lớn vào Cửa Lò để đề phòng bão gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, tỉnh đã ban hành công điện khẩn và triển khai xuống các địa phương. Đối với tỉnh Hà Tĩnh, lo ngại nhất là 8.000 ha cây ăn quả đang mùa thu hoạch, trong đó có 2.000 ha bưởi, 2.000 ha cam.
Còn theo đại diện tỉnh Quảng Bình, tỉnh không có khu vực neo đậu cho tàu lớn trên 300 CV. Tỉnh cũng đang triển khai các công việc từ tỉnh xuống địa phương để đảm bảo ứng phó với bão số 10.
Gia cố hệ thống đê biển
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai, cơn bão được dự báo sẽ đổ bộ vào chiều 15/9, với cấp độ 11 -12, giật tới cấp 15, nước dâng do bão cộng với thủy triều, trong khi hệ thống đê biển chỉ chịu được cấp 9 -10; nên các địa phương phải chú ý.
Các Bộ Y tế, Công An… đã có các chương trình triển khai. Các hồ thủy điện lớn đều đồng loạt đang xả lũ, trong đó, Sơn La, Hòa Bình đang xả với lưu lượng lớn. Bắc Trung Bộ có 3 hồ đang xả lũ là Trung Sơn, Chi Lê, Hố Hô. Còn 4 công trình thi công dở dang, gồm 1 công trình ở Thái Bình, 2 công trình ở Nam Định và 1 công trình ở Hà Tĩnh; đều là vị trí xung yếu. Do vậy cần đảm bảo hệ thống đê điều, hồ đập.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công điện của Thủ tướng Chính phủ đã được các địa phương triển khai tích cực, đây là cơn bão lớn, nên không được chủ quan. Công tác dự báo khá sát với thực tiễn, cần tiếp tục bám sát để đưa thông tin kịp thời, cảnh báo sát với thực tế. Khi đã di dời vào bờ thì công tác sắp xếp phương tiện phải chú ý để an toàn cho người, không để người trên thuyền. Các tỉnh trọng điểm phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ. Lưu ý đặc biệt tuyến đê biển. Đây là tháng triều cường cao điểm nhất trong năm, trong khi đê biển chỉ chịu được cấp 9-10.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, cơn bão số 10 được dự báo rất mạnh, nếu không có phương án chủ động ứng phó thì hậu quả sẽ khó lường, ảnh hưởng tới các tuyến đê biển. Do vậy, phải tập trung đầu tiên đảm bảo an toàn trên biển, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Không để tàu thuyền hoạt động tại khu vực nguy hiểm. Đảm bảo an toàn cho các khu vực khai thác dầu khí, tàu thuyền của lực lượng vũ trang, cơ sở vật chất trên biển, , đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vào nơi tránh trú. Đảm bảo an toàn sản xuất. Đặc biệt, kiên quyết sơ tán, thậm chí cưỡng chế, không để người dân sống trong khu vực nguy hiểm, lồng bè, tàu thuyền, các công trình chất lượng kém…
Cần gia cố, bảo vệ các công trình xây dựng như nhà ở, bệnh viện, trường học, công sở, các tháp cao, hệ thống điện, gia cố các tuyến đê sông, đê biển, đảm bảo an toàn khi có bão xảy ra. Đảm bảo an toàn hồ đập, thủy lợi, thủy điện. Đảm bảo vật tư, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh… cho người dân khi cơn bão đi qua. Đảm bao an ninh trật tự tại vùng thiên tai, khu vực người dân đến sơ tán.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình cơn bão, thông tin tới người dân để có phương án ứng phó kịp thời.
Ý kiến ()