Ngày 31/7, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ thông hầm đường bộ Đèo Cả đoạn qua địa phận 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự và phát lệnh thông hầm Đèo Cả.
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình trọng điểm quốc gia. Hầm chính của dự án được khoan vào tháng 9/2014 gồm hai ống hầm song song, chiều dài mỗi ống 4.125m, đường kính 9,8m. Hầm được khoan thông vượt tiến độ sớm hơn hai tháng so với dự kiến.
Để thông hầm vào ngày 31/7, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư) cùng các nhà thầu và hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động đã phải nỗ lực làm việc liên tục ba ca kể cả ngày nghỉ, ngày lễ trong thời tiết khắc nghiệt, địa chất phức tạp, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chúc mừng và biểu dương Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cùng các nhà thầu đã hoàn thành thi công khoan hầm, tiền đề quan trọng sớm đưa dự án vào khai thác vận hành trong tháng 7/2017.
Đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải là đầu mối làm việc với các bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Vietinbank tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo cho nhà đầu tư triển khai và sớm hoàn thành dự án.
Cùng với đó, để phát huy tối đa hiệu quả của hầm đường bộ Đèo Cả, Bộ Giao thông Vận tải sớm thống nhất với nhà đầu tư phương án tổ chức vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình này…
Theo dự toán ban đầu, mức đầu tư dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả gần 16.000 tỷ đồng. Nhưng nhờ thay đổi thiết kế, rút ngắn khoảng 1km chiều dài hệ thống hầm chính, đã tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng.
Sau khi dự án hoàn thành, chiều dài hành trình qua Đèo Cả rút ngắn 38% và thời gian đi lại giảm khoảng 80%. Đặc biệt là giảm tai nạn và ách tắc giao thông so với khi đi trên Đèo Cả dài 12km hiện nay.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2015, hầm Cổ Mã thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả cũng đã được thông xe kỹ thuật, sắp đưa vào vận hành./.
Ý kiến ()