Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 06:15 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hướng đến mọi người dân đều được theo dõi sức khỏe định kỳ
Thứ 3, 24/01/2017 | 09:20:00 [GMT +7] A A
99,5% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã chính thức kết nối vào hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế từ ngày 25/6/2016.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Chỉ còn 66 trạm y tế xã tại một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới là chưa kết nối được vào hệ thống. Thông tin trên được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết tại Hội nghị báo cáo kết quả triển khai hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, chiều 23/1.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, thành phố Hà Nội tham dự Hội nghị.
Có trường hợp khám sức khỏe 140 lần trong 3 tháng
Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, đến nay, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã tiếp nhận gần 68,9 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán 6 tháng cuối năm 2016 với gần 35 ngàn tỷ đồng và trên 3 triệu hồ sơ phát sinh tháng 1/2017 với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai giám định trên phần mềm tại 30% số cơ sở khám chữa bệnh tại mỗi địa phương với hồ sơ quý III/2016 và 100% cơ sở khám chữa bệnh với hồ sơ quý IV/2016.
Phần mềm giám định đã thống kê các trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khám nhiều nơi trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng tại các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài tỉnh, thống kê trong quý IV/2016 có 100 trường hợp khám trên 50 lần, chủ yếu tại các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã, cá biệt có trường hợp khám 140 lần trong 3 tháng tại nhiều bệnh viện các quận của Thành phố Hồ Chí Minh.
Các quy tắc giám định đã tự động phát hiện, từ chối hoặc cảnh báo đối với các dịch vụ ngoài phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế , tính toán sai mức hưởng, quyền lợi, tách dịch vụ. Đồng thời, các chức năng giám định chủ động giúp giám định viên xác định các cơ sở khám chữa bệnh có gia tăng chi phí, lượt khám và các chỉ định bất thường để tập trung giám định, kiểm tra trên hồ sơ bệnh án.
Nhiều khó khăn, vướng mắc đã được ông Sơn đưa ra, như: việc liên thông dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên; danh mục dùng chung toàn quốc do Bộ Y tế ban hành chưa đầy đủ, tên dịch vụ kỹ thuật, tên thuốc không thống nhất giữa các văn bản quy định. Mặc dù đã thống nhất danh mục dùng chung nhưng nhiều cơ sở khám chữa bệnh không cập nhật vào phần mềm bệnh viện…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn bộ 673 cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội đã kết nối với hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Bước đầu hệ thống này triển khai khá thuận lợi, đã phát hiện ra nhiều trường hợp trùng lặp và xuất toán.
Ông Chung đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các cơ sở y tế cần thống nhất một số danh mục còn lại để nâng cao chất lượng công tác giám định bảo hiểm y tế, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân và chi trả đúng danh mục. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất cho thành phố thí điểm quản lý sổ điện tử theo dõi sức khỏe của toàn bộ người dân Hà Nội.
Cương quyết liên thông dữ liệu để minh bạch, chống tiêu cực
Cho rằng đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước thay đổi căn bản trong quản lý bảo hiểm y tế, lần đầu tiên kết nối được hơn 12.000 cơ sở y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra một dẫn chứng: năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thu chi khoảng 70.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm y tế.
Các hóa đơn thanh toán bảo hiểm y tế là sự kết hợp của các loại thuốc và dịch vụ (khoảng 23.000 loại thuốc và 16.000 loại dịch vụ y tế). Với một đất nước hơn 90 triệu dân, đi khám bệnh ở nhiều cơ sở, không dùng máy móc làm sao có thể biết được thất thoát hay không.
“Dùng máy kết nối vào là rất mới, rất khó. Không chỉ khó về kỹ thuật và thói quen mà là việc làm ảnh hưởng ngay tới lợi ích của một số người từ trước tới nay luôn muốn mọi thứ mập mờ để trục lợi từ người bệnh. Chỉ bằng việc kiểm tra kỹ thuật ở một tỉnh đã xuất toán 200 tỷ đồng, trong khi tiền thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho cả hệ thống một năm hết 150 tỷ đồng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội và Y tế, sự tích cực của các đơn vị thực hiện trong triển khai hệ thống thông tin giám định, phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi.
Nói đến một công việc khó khăn là tin học hóa bệnh viện ở tuyến dưới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn liên thông dữ liệu. “Tôi nhắc lại thông điệp rất rõ của Chính phủ, đây là vấn đề liên quan đến minh bạch hóa, chống tham nhũng, chống tiêu cực.
Bệnh viện nào, nơi nào cố tình không làm là quy kết được có biểu hiện tiêu cực”, Phó Thủ tướng nêu rõ; khẳng định phải cương quyết thực hiện liên thông dữ liệu. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì hoàn thiện danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật.
Nêu lên một thực tế lâu nay là không quản đối tượng bảo hiểm y tế thương mại (hiện có 16 triệu người tham gia), Bộ Tài chính quản lý nhưng chỉ quản trên giác độ doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải vào cuộc quản lý đối tượng người được thụ hưởng dịch vụ bảo hiểm y tế đó.
Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại rất muốn kết hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phát triển dịch vụ bảo hiểm thương mại, hai bên có thể hỗ trợ nhau trong việc tiếp cận khách hàng, chia sẻ dữ liệu, chống trục lợi bảo hiểm…
Mong mỏi mọi người dân Việt Nam đều được theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ, Phó Thủ tướng đề nghị năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện 10 người dân mua bảo hiểm chỉ có 4 người đi khám ở y tế cơ sở, rất nhiều người dân mua bảo hiểm nhưng chưa bao giờ đi khám bệnh nếu không có bệnh, cho nên họ không thấy tác dụng của việc mua bảo hiểm khi họ không bị ốm. Thực hiện theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ cũng là giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Nhận thức đây là công việc mà năm đầu thực hiện sẽ rất vất vả, phải lập sổ cho 90 triệu dân, song, Phó Thủ tướng khẳng định phải làm cho bằng được, ít nhất 1 năm 1 lần, kết hợp với các chương trình khám chuyên khoa sâu cho người dân.
Chia sẻ thành công trong việc kết nối thông tin của hệ thống giám định bảo hiểm y tế để mang lại lợi ích cho người dân, trong điều kiện việc thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân còn nhiều khó khăn, bà Trương Thị Mai đánh giá cao những công việc Chính phủ, ngành Bảo hiểm xã hội, Y tế, thành phố Hà Nội và các địa phương đã triển khai.
Bà cũng đánh giá cao các ý tưởng đã đưa ra, khẳng định bảo hiểm y tế là trụ cột quan trọng của an sinh xã hội, có giá trị nhân văn lớn. Chỉ có thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân mới giải quyết được tài chính cho y tế và đồng tiền người dân bỏ ra mua bảo hiểm y tế phải được sử dụng hiệu quả, để cho người dân tin cậy.
“Đồng tiền này phải được giữ gìn, trân trọng nâng niu, sử dụng hiệu quả, để thất thoát là có tội với dân”, bà Trương Thị Mai khẳng định. Bà cũng tin tưởng việc kết nối hệ thống thông tin giám định sẽ mang lại hiệu quả lớn và người dân sẽ được hưởng lợi.
Ý kiến ()