Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 08:07 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học gốc là tự chủ học thuật
Thứ 4, 31/01/2018 | 08:56:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tự chủ đại học là đường một chiều, không thể không đi.
Ngày 30/1, làm việc với Đại học Thương Mại về việc thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Tự chủ đại học gốc là tự chủ học thuật.
Các trường muốn thực hiện được tự chủ thì phải giao thực quyền cho Hội đồng trường; đồng thời, mở rộng quyền tự chủ đến từng bộ môn, từng giảng viên.
Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Thương mại, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc thực hiện Đề án đã tạo nhiều cơ hội cho nhà trường được chủ động, phát huy tinh thần sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng đào tạo.
Trường cũng đã xây dựng chính sách học phí theo đề án tự chủ, rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế tài chính nội bộ. Chính sách học phí, học bổng và hỗ trợ sinh viên được công bố công khai, bảo đảm mức học phí không vượt quá mức trần theo quy định. Cơ sở vật chất của nhà trường đã được mua sắm, sửa chữa, thu nhập của công chức viên chức tăng.
Tuy nhiên, Trường Đại học Thương mại cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong việc quyết định việc sử dụng các nguồn vốn do nhà trường tự cân đối để đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất.
TS Sơn nhấn mạnh: “Đối với 1 trường khi thực hiện tự chủ, khi nguồn ngân sách cấp không còn nữa, trường phải tự cân đối thu chi và dưới tiếp cận kinh tế như 1 doanh nghiệp cũng phải đảm bảo nguồn thu và cân đối các khoản chi tiêu trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả.
Do vậy để giúp cho các trường có thể khắc phục khó khăn bước đầu khi chính thức thực hiện tự chủ Chính phủ nên cho phép các trường Đại học thực hiện tự chủ tạm thời miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tự chủ đại học là đường một chiều, không thể không đi. Trong quá trình đổi mới, các trường sẽ gặp không ít khó khăn, phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại theo hướng “vướng” ở đâu, “gỡ” ở đó. Nhiều văn bản pháp luật cần thời gian để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, với những vấn đề vướng mắc mà không phải do quy định của pháp luật nhà trường cần quyết tâm giải quyết cho được.
Phó Thủ tướng yêu cầu, các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng xem xét, thẩm định, phê duyệt, không gây khó khăn cho các trường.
Trên tinh thần, các trường muốn thực hiện được tự chủ phải giao thực quyền cho Hội đồng trường; đồng thời, mở rộng quyền tự chủ đến từng bộ môn, từng giảng viên: “Tự chủ đại học gốc là tự chủ học thuật. Từ học thuật mới ra tổ chức, tài chính. Nhưng tất cả là phục vụ cho tự chủ học thuật. Muốn làm được điều này bộ máy hành chính gồm: Hiệu trưởng, hiệu phó, các khoa phục vụ giáo sư, bộ môn. Bao giờ làm được thật sự như thế mới là tự chủ. Bây giờ tự chủ chỉ là áo khoác bên ngoài. Bao giờ Khoa lớn hơn bộ môn, quan trọng hơn bộ môn thì chưa phải tự chủ”.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Trường Đại học Thương mại xem xét lại hệ thống các văn bản, quy định liên quan, từ đó xây dựng bộ quy tắc chi tiết, đảm bảo công khai, minh bạch trong việc triển khai đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động. Bên cạnh việc thực hiện tự chủ đại học, Trường cũng cần xem xét mở rộng hướng đào tạo và nghiên cứu đối với những lĩnh vực mà xã hội đang cần, chứ không chỉ tập trung vào các ngành thế mạn../.
Ý kiến ()