Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 15/11/2024 12:27 (GMT +7)
Phòng bệnh thường gặp cho trẻ mùa nắng nóng
Thứ 4, 03/05/2017 | 16:32:00 [GMT +7] A A
Viêm não Nhật Bản,tiêu chảy, say nắng, say nóng… là một số bệnh trẻ thường gặp trong mùa nắng nóng mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý
Chăm sóc, điều trị cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh Dương Ngọc/TTXVN |
Bệnh viêm não Nhật Bản gây biến chứng nghiêm trọng
Thời tiết khắc nghiệt mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh được xem là một trong những bệnh nguy hiểm và gây tỷ lệ tử vong cao ở trẻ nhỏ (từ 10-20%) hoặc gây ra những di chứng thần kinh như động kinh, giảm học lực, giảm thính lực… Những di chứng này khiến cho người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây cũng chính là nỗi lo sợ nhất của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản hay còn gọi là viêm não B, là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.
Để phòng bệnh, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch và đủ liều. Cụ thể, cần tiêm cho trẻ 2 lần cách nhau 7 – 14 ngày. Sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3 và cứ 3 – 4 năm tiếp tục tiêm lại nhắc lại.Bên cạnh đó, cần chú ý cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt; Thường xuyên vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy.
Tiêu chảy “vào mùa”
Mùa hè với khí hậu nóng, ẩm cũng là thời kỳ cao điểm các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là trong và sau các kỳ nghỉ lễ dài, khi gia đình có phần lơ là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bé. Tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ phải nhập viện.
Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị tiêu chảy có thể kể đến gồm: Yếu tố vệ sinh (trẻ bú bình có nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình), ăn bổ sung không đúng cách (cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến), nước uống không sạch, dụng cụ-tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh, xử lý chất thải không đúng cách, không rửa tay trước khi cho trẻ ăn.
Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: Tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng và khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của trẻ và là gánh nặng về kinh tế đối với gia đình và xã hội.
Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh tốt nhất, giúp trẻ tránh mắc một số bệnh lây nhiễm nguy hiểm thường gặp. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN |
Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: Môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.
TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để phòng tiêu chảy ở trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh tay, xử lý chất thải đúng quý định.Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Say nắng, say nóng có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong
Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là ở trẻ em các vùng nông thôn. Một đặc điểm chung là cả say nóng, say nắng là đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh…
Khi bị say nắng, say nóng, bệnh nhân đều có các biểu hiện như: Tăng thân nhiệt dẫn đến đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Nếu không được bù dịch kịp thời sẽ dẫn đến trụy tim mạch, rối loạn điện giải và có thể tử vong; -Tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực; Mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở, chuột rút; Hôn mê, trụy mạch, tử vong.
Khỉ trẻ bị say nắng hoặc say nóng, cần nhanh chóng tiến hành sơ cứu ngay lập tức trước khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Cụ thể, cần chuyển bệnh nhi vào chỗ mát, thoáng gió; Cởi bỏ bớt quần áo; Cho uống nước pha muối; Chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở các vị trí có động mạch lớn như nách, bẹn, cổ. Sau đó, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn phải chườm mát cho nạn nhân.
Để phòng bệnh, không để trẻ chơi đùa quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức; cho trẻ uống đầy đủ nước khi trời nóng; làm thoáng mát môi trường xung quanh.
Ý kiến ()