Tất cả chuyên mục

Mỗi quốc gia đều có một loại trang phục riêng, thể hiện bản sắc văn hóa tinh thần của quốc gia mình. Đối với Việt Nam cũng vậy, áo dài truyền thống là nét đặc trưng. Qua bao đổi thay của thời đại, dẫu cho nhiều trang phục ra đời nhưng áo dài truyền thống vẫn luôn là niềm tự hào. Đồng thời là một biểu tượng của văn hóa dân tộc đối với bạn bè và du khách quốc tế.
Hiếm có trang phục nào vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn lên vẻ đẹp thướt tha, mềm mại của người phụ nữ như áo dài Việt Nam. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, áo dài đã trở thành hồn cốt dân tộc, là biểu tượng văn hóa không thể trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa nào khác. Chính vì vậy mà áo dài được chị em phụ nữ dù là lứa tuổi nào cũng yêu thích và luôn là một trong những lựa chọn ưu tiên khi tham gia các sự kiện quan trọng. Ngay cả các em học sinh ở các trường THPT cũng yêu thích và cảm thấy tự hào khi lần đầu được khoác lên mình chiếc áo dài trắng dành cho nữ sinh khi cắp sách đến trường.
Em Ngô Ngọc Trân Châu, lớp 12A9 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã nói: Em sẽ nhớ mãi cảm giác khi lần đầu tiên được mặc trên người bộ áo dài trắng cắp sách đến trường. Bước chân vào trường THPT là một bước chuyển mới trên con đường học tập của em. Lúc đó em rất vui, em cũng không thể nào diễn tả được cảm giác của em lúc đó, cũng như là khi được mặc chiếc áo dài truyền thống của dân tộc mình đến trường mỗi ngày. Với em trang phục áo là trang phục đẹp nhất bởi nhìn thấy áo là như nhìn thấy quê hương Việt Nam. Chỉ trong 1 bộ trang phục nhưng chiếc áo dài của Việt Nam chứa đựng rất nhiều điều, như chứa đựng hết tất cả những gì đẹp nhất về nền văn hóa và con người Việt Nam mình.”
Không giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari - trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, áo dài không cần tốn nhiều thời gian để mặc, lại đơn giản, gọn gàng nhưng vẫn duyên dáng và vô cùng thanh lịch. Thoạt nhìn thì áo dài có vẻ không quá cầu kỳ như trang phục truyền thống của nhiều quốc gia khác, nhưng thực tế áo dài chính là kết quả của tay nghề thuần thục, khéo léo và sự kiên trì của người may.
Theo các thợ may, áo dài truyền thống Việt Nam có những yêu cầu chuẩn mực hết sức khắt khe, nhằm thể hiện được những nét tinh tế nhất, từ việc lựa chọn kiểu may, màu sắc, chất liệu vải, đến những họa tiết trang trí, thêu thùa… Chính vì thế nó đòi hỏi người may phải luôn tinh tế và sáng tạo nhưng tuyệt đối phải giữ được “cái hồn” và đường nét của tà áo dài truyền thống. Hiểu điều đó và trân trọng những nét đẹp cũng như giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam mà rất rất nhiều thợ may trên địa bàn huyện Bến Lức vẫn luôn gắn bó, tỉ mẩn trong từng nét vẽ, đường kim, mũi chỉ để mang đến những bộ áo dài đẹp nhất cho chị em phụ nữ.
Cô Trương Hồng Hạnh, khu phố 2, thị trấn Bến Lức nói: “Tôi trân trọng và yêu quý tà áo dài Việt Nam. Với tôi áo dài là trang phục đẹp nhất – không chỉ là biểu tượng đẹp của dân tộc mà còn là biểu tượng cho nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Từ khi bước chân vào nghề may, tôi được học may rất nhiều loại trang phục, nhưng tôi vẫn thích nhất là được may những bộ áo dài. Với tôi khi may mỗi chiếc áo dài tôi đều đặt hết tâm tư của mình vào đó để làm sao mang đến cho các chị em một bộ áo dài đẹp nhất, tôn dáng nhất. Và tôi càng hạnh phúc hơn khi nhìn thấy các chị em phụ nữ diện những bộ áo dài do chính tay mình may. Có lẽ sẽ khó có người hiểu được cảm giác của một người thợ may khi họ đặt hết tâm huyết của mình vào từng bộ áo dài – trang phục mà chính bản thân luôn có một tình cảm đặc biệt, trang phục mà là niềm tự hào của đất nước.
Áo dài đã trở thành niềm tự hào của người Việt, đồng hành cùng sắc đẹp Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Vẻ đẹp dịu dàng, thanh tao không gì sánh kịp của áo dài đã tôn vinh vẻ đẹp không chỉ của người phụ nữ Việt Nam, mà còn là của một dân tộc có một bản sắc văn hóa độc đáo. Chung dòng chảy của lịch sử, của văn hóa dân tộc, các thế hệ phụ nữ huyện Bến Lức đã, đang và sẽ cùng nhau góp sức gìn tà áo dài Việt Nam.
Kim Phượng
Ý kiến ()