Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 13/01/2025 07:02 (GMT +7)
Phục hồi hệ sinh thái rừng ngập nước
Thứ 2, 20/06/2022 | 10:48:49 [GMT +7] A A
Mặt trái của việc đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long với cường độ cao đã gây nhiều hệ lụy đối với rừng tự nhiên, nhất là các loại rừng ngập mặn, tràm, phòng hộ. Việc bảo tồn, tái tạo hệ sinh thái rừng ngập nước giúp người dân cải thiện sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thời gian qua, diện tích rừng tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long giảm do bị chặt phá, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc suy thoái nặng nề. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các địa phương trong khu vực phấn đấu đến năm 2050 nâng độ che phủ rừng đạt hơn 9%. Phục hồi hệ sinh thái rừng ngập nước sẽ tạo môi trường cư trú, sinh sản lý tưởng cho các loài động, thực vật, thủy sản, góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh của người dân.
Phủ xanh vùng đất ngập nước
Từ năm 1997 đến nay, với các dự án khôi phục và phát triển rừng như đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh; tài trợ khôi phục, bảo vệ rừng của tổ chức Oxfam Anh; bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển nam Việt Nam, tỉnh Trà Vinh đã có cả một “pháo đài xanh” chắn sóng với gần 9.500ha rừng ngập mặn. Tháng 12/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án đầu tư khu bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn Long Khánh, huyện Duyên Hải với mục đích khôi phục, phát triển rừng, tái tạo sự đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn để phục vụ tham quan du lịch sinh thái và xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Khu bảo tồn có 897ha rừng ngập mặn, chủ yếu là các loại cây đước, mắm, cốc, giá, chà là. Trong đó, diện tích rừng đước hơn 30 năm tuổi còn lại 183ha. Vùng đất ngập mặn ven biển Trà Vinh chỉ duy nhất ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải tồn tại hệ sinh thái rừng đước lâu năm với nguồn đa dạng sinh học quý giá, nhiều loại động vật quý hiếm như: kỳ đà, chồn, sóc, rắn hổ mang, các loài chim hoang dã từ khắp nơi kéo đến cư trú.
Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là một hình mẫu sinh thái đất ngập nước tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười với tính đa dạng sinh học cao gồm 231 loài chim, trong đó có 32 loài chim quý hiếm; 130 loài thực vật đặc trưng 6 kiểu quần xã gồm lúa ma, sen, cỏ ống, tràm, năng, mồm mốc; 130 loài cá; 44 loài lưỡng cư, bò sát. Năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam.
Phó Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, Lê Thành Cư cho biết, sắp tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp sẽ ban hành quyết định phê duyệt “Phương án quản lý bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, sẽ phục hồi các sinh cảnh đang bị suy thoái. Đặc biệt, phục hồi quần xã năng kim, nguồn thức ăn chính để thu hút sếu đầu đỏ về sinh sống; quần xã lúa ma là nguồn gien cực hiếm của vùng.
Năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã phê duyệt “Phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang giai đoạn 2019-2030” với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng. Mục tiêu bảo vệ những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ngập nước; bảo vệ nơi cư ngụ của các loài sinh vật bản địa, nhất là các loài động vật quý hiếm, cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên như thực vật, thủy sản và động vật hoang dã cho vùng tây sông Hậu; giữ ổn định độ che phủ rừng đạt tỷ lệ hơn 68%.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, rừng tràm Trà Sư có bốn kiểu quần xã thực vật thân gỗ ngập nước chua phèn gồm cây tràm chiếm 85% diện tích và phân bố đều khắp khu vực; thân gỗ trên bờ kênh, rạch; thủy sinh trên kênh, rạch; cây thân thảo ngập nước trên đất chua. Về động vật rừng, khoảng 70 loài chim nước, 11 loài thú, 20 loài bò sát, 5 loài ếch nhái và 25 loài cá với giá trị kinh tế cao…
Tạo sinh kế bền vững cho người dân
Đến nay, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã trồng 400ha rừng bần tại Cồn Nạng. Qua khảo sát cho thấy, quá trình bồi lắng phù sa tự nhiên diễn ra rất nhanh, nguồn lợi thủy sản dồi dào, quần thể ong mật xuất hiện dưới tán rừng khá đông. Diện tích rừng ngập mặn của tỉnh được khôi phục, đã tạo môi trường trú ẩn và phát triển lý tưởng cho các loài sinh vật biển. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, vùng đất bãi bồi ven biển, cồn mới nổi tỉnh Trà Vinh có chủng loài tôm, cá, nghêu, sò rất đa dạng với giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Lene (ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) cho biết, ngoài ý nghĩa chắn sóng, bảo vệ đê biển, rừng ngập mặn ven biển còn góp phần cải thiện môi trường, ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm, cua nhướng xuất hiện rất nhiều dưới tán rừng bần, người dân dùng sệp bắt cua nhướng, thu nhập 200.000 đến 300.000 đồng/ngày. Hằng tháng, ông Lene săn tìm mật ong ở khu vực rừng bần Cồn Nạng, các bãi bần ven sông thuộc hai xã Long Hòa, Hòa Minh của huyện Châu Thành được khoảng 40 đến 60 lít mật, bán giá
250.000 đồng/lít.
Đối với Khu bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, tỷ lệ lâm-ngư thực tế hiện nay ước 50% lâm-50% ngư; tỷ lệ quy hoạch là 70% rừng, 30% mặt nước nuôi tôm quảng canh và có hơn 200 hộ dân hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Để bảo tồn, giữ gìn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Long Khánh, tỉnh Trà Vinh sớm có chính sách thỏa đáng, di dời dân ra khỏi khu bảo tồn, xẻ kênh lấy phù sa cho khu rừng đước. Thực hiện chính sách giao khoán rừng, tỉnh đã tiến hành hợp đồng giao khoán cho nhóm hộ, tổ chức, kết hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn.
Nhiều năm qua, lũ về muộn, lưu lượng nước, thời gian ngập ít, việc bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tràm Chim gặp khó. Bên cạnh đó, một áp lực không nhỏ là 45.000 người dân sống cạnh nơi đây sinh kế không ổn định, với nhiều hoạt động đánh bắt thủy sản, chăn thả gia súc, săn tìm mật ong trái phép, nạn đánh bắt các loài động vật hoang dã khu vực giáp ranh. Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, giúp người dân hiểu rõ các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng bị nghiêm cấm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin, mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư giai đoạn 2021-2030, nhằm đưa rừng thành địa điểm du lịch vươn tới đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
Thực tế hiện nay, rừng tràm Trà Sư đã trở thành điểm đến không thể thiếu khi du khách đến tỉnh An Giang vui chơi, giải trí. Mỗi năm nơi đây đón hàng nghìn lượt du khách, lượng khách tăng nhanh. Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, gia đình chị rất thích cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Theo chị Phương, không khí ở đây trong lành với những cánh bèo tây phủ xanh mặt nước, thích thú nhất là khoảnh khắc được trông thấy chim trích, gà lôi nước săn mồi…
Vùng đất ngập nước đồng bằng sông Cửu Long có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế, cung cấp lương thực, thực phẩm, hỗ trợ phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Do đó, việc bảo tồn, đa dạng sinh học, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên của khu vực nhằm bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Nhân Dân Online
Ý kiến ()