Thứ Năm, 16/01/2025 23:28 (GMT +7)

PTT Vũ Đức Đam: Cùng nỗ lực xây dựng một xã hội đáng sống hơn

Thứ 7, 09/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Phát biểu tại hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi mọi người cùng nỗ lực xây dựng một xã hội ngày càng nhân ái và đáng sống hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: TTXVN

Sáng 8/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng 388 đại biểu người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu từ 63 tỉnh, thành phố đã về dự hội nghị.

Được tổ chức 3 năm một lần, hội nghị là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương người khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu đạt được những thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, sáng tạo, tri ân những tấm lòng nhân ái, lan tỏa tình yêu thương, biểu dương những con người luôn sống vì cộng đồng; góp phần nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tiếp tục thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện ước tính số người cần trợ giúp xã hội của nước ta chiếm khoảng 20% dân số, trong đó, có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 12% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020).

Đến năm 2015, cả nước đã có 2,64 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó, có 37 nghìn trẻ mồ côi, 88 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, gần 1,5 triệu người trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần trợ giúp đột xuất hàng năm… Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thực hiện tốt chính sách về trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Hội nghị đã nghe tham luận của các đại biểu người khuyết tật, trẻ mồ côi không cam chịu số phận, nỗ lực vươn lên, trở thành những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất và hoạt động số phận. Hình ảnh những đại biểu khuyết tật tại hội nghị cho thấy họ là những người tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, cũng như quyết tâm theo đuổi đam mê.

Đó là anh Nguyễn Thanh Lâm, bị khuyết tật mất hai tay và nửa bàn chân trái đã thi đậu vào ba trường: Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt và Cao đẳng Kinh tế đối ngoại. Hiện anh đang công tác tại Ban Tư pháp, huyện Hòa Thắng, huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận. Chị Y Lợi, bị khuyết tật bẩm sinh, đã nỗ lực vươn lên trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum)…

Các đại biểu trẻ mồ côi đến với hội nghị đa số các em mất cả cha và mẹ, phải chịu thiệt thòi về vật chất và tinh thần, lại thiếu vắng tình thương, sự chỉ bảo nhưng các em vẫn luôn cố gắng trở thành con ngoan trò giỏi, vẫn không ngừng ước mơ và khát vọng để không những có thể tự tin bước vào đời lập nghiệp mà còn giúp cho cả cộng đồng, cống hiến cho đất nước.

Những người bảo trợ tham dự hội nghị có thể là các Tập đoàn, Tổng Công ty… đến các cơ sở sản xuất nhỏ, các tổ chức tôn giáo, cá nhân, gia đình, nhóm từ thiện, dù không dư dả về vật chất nhưng luôn giàu có tình người, bằng nhiều hình thức khác nhau đã cũng chung tay trợ giúp người thiệt thòi. Họ làm việc thiện chẳng mong điều gì lớn lao mà đơn giản xuất phát từ tấm chân tình, từ nhu cầu của chính bản thân mình được giúp đỡ người khác.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ sự xúc động khi nghe những câu chuyện của các đại biểu người khuyết tật, trẻ mồ côi – những người không chỉ có ý chí phi thường, vươn lên tự khẳng định mình trong cuộc sống mà còn có tấm lòng cao đẹp, truyền nghị lực cho những người đồng cảnh và đóng góp lớn lao trong xã hội.

Khẳng định được học thêm một bài học lớn mà không cần đến giảng đường, không cần qua sách vở, giáo trình, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đó là bài học về ý chí, khát vọng của những người thiệt thòi, dù bị khiếm khuyết về cơ thể, có hoàn cảnh éo le nhưng có ý chí, nghị lực mà nhiều người lành lặn không có được. Phó Thủ tướng mong muốn những ý chí, nghị lực của người khuyết tật, trẻ mồ côi tại hội nghị sẽ lan tỏa để tất cả mọi người học tập, bởi mỗi người đều có ý chí, nghị lực này, xã hội sẽ tốt đẹp hơn, đất nước sẽ ngày càng giàu đẹp hơn.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Do điều kiện tự nhiên, chiến tranh, cùng nhiều vấn đề nan giải khác: tai nạn lao động, tai nạn giao thông…, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam cao và nếu không quan tâm giải quyết ngày càng sẽ có thêm những người khuyết tật, trẻ mồ côi. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn có những chủ trương, chính sách chăm lo trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, những người yếu thế trong xã hội.

Những thành quả phát triển của đất nước đều được chú trọng dành cho những người yếu thế. Vì vậy, Việt Nam đã được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những tấm gương điển hình trong trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cần thừa nhận một thực tế là hiện vẫn còn rất nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi, người yếu thế trong xã hội.

TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu