Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 19:11 (GMT +7)
Quan tâm đến an sinh xã hội đối với phụ nữ
Thứ 2, 08/03/2021 | 16:13:00 [GMT +7] A A
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội một cách công bằng đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ di cư lao động, phụ nữ nông thôn, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ.
Hội LHPN các cấp tỉnh Quảng Bình trao tặng hơn 250 cây giống ăn quả cho đồng bào vùng biên giới Quảng Bình. Ảnh: Võ Dung/TTXVN
Cần coi vấn đề nhà ở là phúc lợi của người dân
Người xưa đã tổng kết “Có an cư thì mới lạc nghiệp”, vậy nên nhà ở cho người dân luôn là một mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh việc ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được sở hữu nhà ở.
Mặc dù vậy, vấn đề di cư lao động đang là xu hướng tất yếu, gắn với phát triển và có vai trò nhất định đối với kinh tế – xã hội, nhất là trong việc phân bổ lại nguồn lực lao động quốc gia. Song nhìn từ góc độ an sinh xã hội lại đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với những lao động di cư từ nông thôn ra thành thị.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, qua điều tra cho thấy, 13,6% dân số cả nước là người di cư; trong đó, nữ giới chiếm 55,5%. Hầu hết họ di cư đến làm việc trong các khu công nghiệp, đến thành phố làm các công việc ở khu vực phi chính thức. Đặc biệt, với những người lao động di cư, nhà ở là vấn đề hết sức bức thiết.
Theo một thống kê, khoảng 80% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp; số công nhân được ở trong các khu nhà do doanh nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ rất thấp (5%). Đối với nữ lao động di cư (công nhân, người bán hàng rong, lao động ở các chợ đầu mối, giúp việc gia đình, chăm sóc người ốm…) đều phải thuê nhà trọ. Để giảm chi phí, nhiều người chấp nhận ở chung, phòng trọ rất tạm bợ, chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 3 – 4m2/người). Tình trạng sống chung khác giới, sống chung như vợ chồng cũng đã diễn ra ở nhiều khu nhà trọ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Hà Thị Nga cho rằng, để đảm bảo quyền có nơi ở, chỗ ở cho mọi người dân, Nhà nước cần coi vấn đề nhà ở là phúc lợi của người dân để có chính sách đầu tư thỏa đáng, từng bước giải quyết về vấn đề nhà ở, trước mắt là cho các gia đình chính sách, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, người di cư…. Đồng thời tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ công về giáo dục, y tế cho con em và gia đình phụ nữ khó khăn, lao động nữ di cư.
Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp, của toàn xã hội chia sẻ trách nhiệm cùng với nhà nước. Về mặt nhận thức, phải coi di cư lao động là vấn đề phát triển, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng, địa phương cần tính tới dân số di cư để có thể đảm bảo các chính sách về nhà ở, nhà trẻ, khám chữa bệnh cho người dân phù hợp với những biến đổi dân cư.
Đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ khi mang thai, sinh con
Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành sớm 10 năm trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số; 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số có thẻ khám chữa bệnh miễn phí; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phát triển.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đánh giá, chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ hưởng cao và thời gian nghỉ dài nhất trong khu vực, quyền lợi tương đối rộng. Tuy nhiên, điều đáng nói là diện bao phủ của chế độ thai sản còn thấp. Thực tế cho thấy, phần lớn phụ nữ không tham gia BHYT do không tham gia lực lượng lao động, là người làm công ăn lương không chính thức hoặc làm công không hưởng lương.
Đặc biệt, trong số hơn 65% dân cư nước ta sống ở nông thôn, có khoảng 48,5% là lao động nữ. Họ có mặt ở hầu hết các công việc của quá trình sản xuất, chế biến, kể cả những công việc nặng nhọc và độc hại… ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ, nhất là sức khoẻ sinh sản nhưng họ hầu như không được hưởng các chế độ thai sản.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam ở nước ta, đã từng có thời phụ nữ nông thôn sinh con được hỗ trợ thóc, có nhà gửi trẻ. Tuy nhiên hiện nay các chính sách liên quan đến mang thai, nuôi con nhỏ chưa vươn tới được đối tượng phụ nữ nông thôn đang làm ở các khu vực phi chính thức, không hưởng lương. Mặc dù hệ thống dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế cho người dân nông thôn nói chung, phụ nữ nông thôn nói riêng những năm gần đây đã được cải thiện, nhưng nhiều nơi còn thiếu thốn, thời gian nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng của phụ nữ trước và sau khi sinh chưa được quan tâm đúng mức khiến cho sức khoẻ người mẹ và trẻ sơ sinh chưa được đảm bảo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên trình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi; thiếu máu ở bà mẹ và tỷ suất chết sơ sinh cao.
Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc bản thân khi mang thai, sinh con, tham gia BHYT và đề xuất chính sách cho phụ nữ. Năm 2006, Hội LHPN đã chủ trì đề xuất xây dựng và được Quốc hội thông qua Luật Bình đẳng giới, trong đó có 2 khoản quy định về vấn đề thai sản của phụ nữ. Sau khi có Luật, Hội tiếp tục đề xuất Chính phủ đã ban hành nghị định để luật được thực thi hiệu quả. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP “Hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách”. Qua đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 39/2014/NĐ-CP cho thấy diện được hưởng chưa nhiều, đến tháng 12/2020, chỉ có khoảng gần 74.000 người được thụ hưởng.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ mang thai, sinh con, đặc biệt là đối với những người chưa được hưởng chính sách bảo hiểm là vấn đề cần quan tâm theo hướng đảm bảo cho phụ nữ có cơ hội, điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là hỗ trợ chế độ thai sản cho phụ nữ. Chính phủ cần đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 39 để có hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, giúp mọi phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số đều được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Bổ sung chế độ thai sản đối với bảo hiểm tự nguyện thông qua các gói thai sản cho phụ nữ để mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều có thể dễ dàng tham gia, góp phần bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
https://baotintuc.vn/thoi-su/quan-tam-den-an-sinh-xa-hoi-doi-voi-phu-nu-20210308073137139.htm
Ý kiến ()