Theo báo cáo của tỉnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm ngoái đạt 4,4%. Tính đến hết 6 tháng đầu năm, tỉnh thu ngân sách đạt gần 9.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư khoảng 42%.
Tỉnh có gần 5.500 doanh nghiệp đăng ký mã số thuế, nhưng chỉ có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động. Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vấn đề đặt ra với tỉnh là một số chỉ tiêu kinh tế xã hội trong năm nay đang thấp hơn kế hoạch, như năng suất, sản lượng lúa Đông Xuân, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách và tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong khi đó, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu, năng suất cây trồng vật nuôi thấp.
Đối với huyện đảo Lý Sơn của tỉnh, tình hình kinh tế xã hội và quốc phòng, an ninh có bước phát triển ổn định và tăng trưởng khá.
Tổng giá trị sản xuất đến năm 2015 hơn 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 16,7%.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế huyện. Thu nhập bình quân của huyện tính đến hết năm ngoài là 21 triệu đồng/người/năm.
Xác định kinh tế thủy sản là mũi nhọn, toàn huyện đã có đội tàu 417 chiếc với các loại công suất khác nhau.
Hiện huyện đang tiếp tục phát triển đội tàu, tổ chức đánh bắt phát triển số lượng tàu thuyền theo hướng nâng cao công suất gắn với đầu tư trang thiết bị hiện đại, thành lập tổ, đội để vươn khơi đánh bắt hải sản, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc.
Huyện Lý Sơn cũng chú trọng phát triển hai loại cây trồng chính là hành và tỏi, thông qua việc áp dụng các công nghệ tưới và thu hoạch, bảo quản chế biến hiện đại, to các sản phẩm tỏi đen và tinh dầu tỏi.
Huyện cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch, một lĩnh vực có tiềm năng.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bước đầu đạt kết quả đáng mừng, trong đó có phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư.
Tỉnh cũng đã có một số cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng mong rằng các cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn kết, cố gắng hơn nữa, thúc đẩy địa phương phát triển thời gian tới.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế của tỉnh, như chưa tìm được hướng đi đột phá phát triển kinh tế; tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp còn chậm. Bên cạnh đó, giá dịch vụ ở Quảng Ngãi còn cao.
Trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội thì nhiều chỉ tiêu còn thấp và giảm so với cùng kỳ 2015, như tăng trưởng, thu ngân sách có giảm. Xây dựng nông thôn mới đạt thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; tiếp tục giải quyết tốt mô hình nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến; phát triển dịch vụ theo hướng thị trường.
Tỉnh cần rà soát lại các biện pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2016 mà Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, trong đó bám các giải pháp tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh xây dựng, hoàn thiện đầu mối, hệ thống chính quyền năng động, sáng tạo, quyết liệt trong hành động, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Đặc biệt, tỉnh phải chú ý làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công và người nghèo; không để đồng bào bị đứt bữa, thiếu ăn, nhất là khu vực miền Tây Quảng Ngãi. Làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ ngư dân hành nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản, để người dân yên tâm hành nghề, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng xem xét, giải quyết các kiến nghị của tỉnh trên tinh thần rà lại quy mô các công trình, dự án đề xuất; đa dạng hóa nguồn lực để có thể triển khai dự án.
Nhân dịp về thăm Quảng Ngãi, chiều cùng ngày Thủ tướng đã tới thăm hỏi, động viên Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.
Đơn vị quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất là Công ty TNHH Một thành viên Lọc – Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Thời gian qua, mặc dù giá dầu thô và sản phẩm dầu thế giới diễn biến khó lường, song Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn đạt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Từ khi vận hành đến nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được hơn 41 triệu tấn sản phẩm các loại và tiêu thụ gần như hết, nộp ngân sách Nhà nước hơn 130 ngàn tỷ đồng. 7 tháng qua, nhà máy đạt sản lượng đạt 3,99 triệu tấn (vượt 17% kế hoạch) nộp ngân sách 6,9 ngàn tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong bối cảnh diễn biến bất lợi của giá dầu thế giới, nhất là thời gian từ đầu năm 2016 đến nay.
Thủ tướng cho rằng, kết quả này đóng góp quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.
Thủ tướng cũng ghi nhận những kết quả tốt trong mô hình quản trị nhà máy; mong muốn Ban Lãnh đạo Công ty duy trì và phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục quản lý, vận hành tốt nhà máy lọc dầu Dung Quất đồng thời thực hiện tốt các chế độ chính sách, đãi ngộ đối với tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân người lao động nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thủ tướng tin tưởng với nỗ lực phấn đấu không ngừng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Cũng trong chiều nay, Thủ tướng đã tới thăm mô hình thử nghiệm nhà bán trú bằng container do Công ty cổ phần xã hội H.E.L.P thực hiện thí điểm, nhằm triển khai cho các huyện miền núi trong tỉnh.
Đây là mô hình được xây dựng nhằm góp phần giải quyết tình trạng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi bỏ học do khoảng cách xa, đi lại khó khăn từ nhà đến trường.
Dự án được thiết kế để thay thế những lều ở trọ dựng tạm quanh khu vực trường làm nơi ăn nghỉ, học chữ của các em. Qua thời gian trưng bày, mô hình nhà bán trú bằng container đã nhận được nhiều sự tán thành, đồng thuận của người dân trong tỉnh./.
Ý kiến ()