Thứ Năm, 16/01/2025 09:06 (GMT +7)

Quốc hội sẽ xem xét trách nhiệm về sai sót của Bộ luật Hình sự

Thứ 4, 20/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Sai sót không phải do quy trình làm luật sai

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV diễn ra chiều 19/7, nhiều câu hỏi của báo chí tập trung vào vấn đề xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến việc Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 dù chưa có hiệu lực đã phải cho dừng để xem xét tiếp tục sửa đổi.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là điều rất đáng tiếc bởi một bộ luật lớn mà chưa có hiệu lực thi hành đã phải dừng lại để xem xét sửa tới hơn 90 điều. Trong khoá XIII, Quốc hội đã ban hành hơn 100 luật, nhất là Hiến pháp 2013 được đánh giá cao. Có luật còn những sai sót rất nhỏ nhưng Bộ luật Hình sự lại có nhiều lỗi nhất.

quoc hoi se xem xet trach nhiem ve sai sot cua bo luat hinh su hinh 0
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 19/7

Luật này sai nhiều nhưng không phải do quy trình làm luật sai vì khoá vừa qua ban hành tới hơn 100 luật. Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẵn sàng nhận trách nhiệm. Tới đây sẽ xem xét thấu đáo trách nhiệm cụ thể cơ quan, cá nhân một cách công minh, không né tránh” – Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định.

Có ý kiến cho rằng Bộ luật Hình sự được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và được tuyên truyền nhiều trước khi có hiệu lực nhờ sự góp sức không nhỏ của báo chí, tuy nhiên, đến khi phát hiện những sai sót trong bộ luật này, báo chí dường như không tiếp cận được vì có người nói rằng “các sai sót này đóng dấu mật” là điều “không công bằng” với cử tri.

Trước băn khoăn trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, những sai sót của Bộ luật Hình sự đóng dấu mật vì ban đầu khi báo cáo ra chưa xác định được sai bao nhiêu điều nên cần có thời gian để cơ quan chức năng thẩm tra, xác định chính xác các sai sót, sau đó mới công bố công khai.

Ông Phúc cho biết thêm, hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ có báo cáo giải trình về việc này, giao Uỷ ban Tư pháp cùng các Uỷ ban liên quan thẩm tra lại các sai sót rồi báo cáo lên Quốc hội.

“Dự kiến nếu tháng 9 tới đây trình vấn đề này ra được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì nhanh nhất là kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV sẽ bàn về Bộ luật Hình sự” – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Chính phủ chuẩn bị báo cáo vụ Formosa gửi đại biểu

Vừa qua, dư luận quan tâm và bày tỏ bức xúc về việc Formosa xả thải gây sự cố môi trường nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Đây cũng là vấn đề được báo chí đặt ra tại buổi họp báo về việc tại kỳ họp đầu tiên của khoá mới, Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội vấn đề này hay không.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, câu chuyện liên quan đến Formosa, Chính phủ đã tổ chức họp báo và thông tin rõ ràng về mọi khía cạnh nguyên nhân, thủ phạm, mức bồi thường cũng như các biện pháp xử lý về sau.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội vẫn mong muốn làm rõ thêm nên đã đề nghị Chính phủ có báo cáo liên quan đến các hoạt động của Formosa và Chính phủ cũng chuẩn bị báo cáo về vấn đề này để gửi các đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, sau khi làm rõ nguyên nhân, hậu quả, Chính phủ chắc chắn sẽ có quy trình đánh giá, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan trong sự cố môi trường vừa qua.

Một vấn đề khác được quan tâm là phán quyết của Toà Trọng tài liên quan đến các vấn đề trên Biển Đông, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, các đại biểu cũng có ý kiến đề nghị báo cáo ra Quốc hội nhưng vì đây là vấn đề mới nên để đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu đáo sẽ báo cáo nội dung này vào kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu