Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 10:22 (GMT +7)
Quy hoạch xây dựng: Một số trường hợp có lợi ích nhóm
Thứ 4, 16/08/2017 | 15:13:00 [GMT +7] A A
Quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, buông lỏng quản lý trong quy hoạch, có hay không tình trạng lợi dụng quy hoạch để trục lợi, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu, giải pháp khắc phục thế nào là những câu hỏi được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sáng nay 16/8.
Sáng nay, tại phiên họp 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về: Công tác quản lý nhà nước trong quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.
Có trục lợi, có lợi ích nhóm
Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra việc quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn và đặt vấn đề “có tình trạng lợi dụng quy hoạch để trục lợi hay không, trách nhiệm của bộ trưởng thế nào, giải pháp nào để khắc phục”?
Đại biểu Thúy cũng cho rằng tình trạng buông lỏng quản lý trong quy hoạch dẫn đến thực tế có nơi đường thẳng nắn thành đường cong, sân golf nằm trong sân bay, nhà cao tầng mọc sát nhau, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy…
“Địa phương có trách nhiệm là chính, nhưng Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hướng dẫn, xử lý, cần thiết thì trình Chính phủ, Quốc hội có quy định để quản lý có hiệu quả. Bộ trưởng đã chỉ đạo việc này như thế nào, đã xử lý trách nhiệm ai chưa?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu câu hỏi.
Ủy viên Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận có tình trạng buông lỏng tổ chức, quản lý trong quy hoạch, cũng như còn có sự hạn chế về chất lượng quy hoạch đô thị cũng như tổ chức thực hiện quy hoạch.
“Tầm nhìn quy hoạch chưa đảm bảo, có cái thì ngắn quá, có cái thì dài quá nên chưa phù hợp với điều kiện kinh tế từng địa phương dẫn đến tính khả thi chưa cao.
Hiện vẫn có tình trạng thiếu sự thống nhất, chưa đồng bộ giữa các quy hoạch. Việc tính toán các điều kiện thực hiện chưa đảm bảo, đặc biệt là nguồn lực và tiến độ, dẫn tới quy hoạch chậm và có những nơi xảy ra tình trạng quy hoạch treo”, Bộ trưởng khẳng định.
Việc thực hiện quy hoạch thực còn chậm, thậm chí là không thực hiện, hoặc thực hiện chưa đồng bộ, chắp vá. Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước làm chưa đúng chức trách của mình, sau khi có quy hoạch thì phải có kế hoạch kèm theo dự án trọng tâm, công khai quy hoạch, cắm mốc trên thực tiễn. Thanh tra, kiểm tra có thực hiện nhưng không thường xuyên, xử lý vi phạm chưa kịp thời tạo tiền lệ cho những vi phạm.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, về cơ bản tổng thể thì “không có tình trạng trục lợi trong quy hoạch, nhưng trong một số trường hợp cụ thể thì có trục lợi, lợi ích nhóm”.
Để có thể khắc phục tình trạng trên, với trách nhiệm quản lý nhà nước thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện thể chế theo hướng bảo đảm quy hoạch xây dựng là công cụ đắc lực cho quản lý hiệu quả đầu tư phát triển nguồn vốn của nhà nước, chất lượng công trình, nhưng cũng bảo đảm chống thất thoát, lãng phí.
“Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp, tiêu chuẩn, quy chuẩn chỉ tiêu liên quan trong quy hoạch; loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết trong cấp phép xây dựng, trong thẩm định dự án”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các địa phương để tổ chức, chỉ đạo theo dõi thực hiện quy hoạch nhất là trong thanh tra, kiểm tra. Riêng với việc dư luận đang bức xúc về việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện theo hướng có lợi ích nhóm, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Chính phủ để có công cụ quản lý để hạn chế tình trạng này.
Kiểm tra một số dự án bất động sản quy mô sử dụng đất lớn
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chất vấn Bộ trưởng về tình trạng xây dựng sai phép, không phép, lấn chiếm đất công, đất rừng đặc dụng đất nông nghiệp, trong đó có lấn chiếm đất quốc phòng an ninh nhưng xử lý chưa nghiêm. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc xử lý này thế nào, Bộ trưởng có cam kết thời gian tới xử lý được tình trạng này hay không?
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định xây dựng sai phép, không phép là thực tế có thật. Tuy nhiên, tốc độ sai phép, không phép đã giảm dần; năm 2016 có trên 15.000 trường hợp xây dựng sai phép và không phép (chiếm 12-13%).
Nguyên nhân của tình trạng này là giấy phép được cấp nhưng không đúng quy hoạch chi tiết, hoặc cấp đúng rồi nhưng chủ đầu tư cố tình vi phạm; trong khi đó thanh tra, kiểm tra không kịp thời, hoặc có thanh tra nhưng xử lý không dứt điểm.
Để giải quyết tình trạng này, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Bộ Xây dựng phải có quy định quản lý để xử lý vi phạm hành chính. Hiện Bộ đang trình Chính phủ nghị định mới để có công cụ kiểm soát tốt hơn, hoặc tổ chức lực lượng thanh tra tốt hơn, như tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có mô hình thanh tra cấp quận. Bên cạnh đó, có chế tài đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Bộ có trách nhiệm trong việc xử lý xây dựng không phép, trái phép “nhưng không thể cam kết trong thời gian ngắn có thể giải quyết được”, vì cần có sự phối hợp của lãnh đạo các địa phương nữa; nhưng Bộ sẽ tập trung giải quyết trong thời gian tới.
“Sắp tới Bộ sẽ thanh tra một số điểm, Quốc hội, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ kiểm tra một số công trình bất động sản có quy mô sử dụng đất lớn. Bộ đang có tổng hợp đánh giá và sẽ sớm có báo cáo Chính phủ, Quốc hội và từ đó có đề xuất giải pháp cụ thể hơn”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Ý kiến ()