Thứ Hai, 13/01/2025 09:57 (GMT +7)

Quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa

Thứ 4, 28/07/2021 | 08:57:00 [GMT +7] A  A

Cùng với các giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong đại dịch COVID-19, các ngành và địa phương vẫn đang tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất cũng như hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản mùa vụ.

Công nhân Công ty TNHH Compass II (Bình Dương) chuẩn bị tâm thế “3 tại chỗ”. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN

Khó khăn của doanh nghiệp gia tăng

Để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất cũng như đảm bảo thực hiện hợp đồng, uy tín khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo các yêu cầu “3 tại chỗ” theo quy định phòng dịch. Việc này khiến khó khăn của doanh nghiệp gia tăng, nhất là chi phí của doanh nghiệp bị đội lên rất lớn.

Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” phải tự bỏ tiền để xét nghiệm cho công nhân, nhân viên định kỳ 7 ngày/lần. Đồng thời, phải chi trả rất nhiều chi phí trang bị các thiết bị, vật dụng phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt tại chỗ cho công nhân. Trong khi đó, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn do doanh nghiệp nằm trong khu vực bị phong tỏa, đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc đối tác thanh toán chậm…

Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, do đặc thù là ngành có số lượng lao động đông nên rất khó bố trí sản xuất “3 tại chỗ”. Hiện chỉ có khoảng từ 10 – 15% doanh nghiệp ngành dệt may ở TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực duy trì sản xuất, với công suất hoạt động từ 35 – 40%.

Việc gián đoạn sản xuất khiến đầu ra và dòng tiền của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng rất nặng nề. Một số doanh nghiệp không có nguồn tiền để tạm ứng trả lương cho công nhân trước khi có hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi, nhiều hợp đồng thư tín dụng với đối tác nước ngoài đến hạn phải thanh toán. Đó là chưa kể, nhiều chi phí phát sinh trong quá trình phòng chống dịch như: xét nghiệm, bố trí vật dụng, thiết bị cần thiết để duy trì “3 tại chỗ”… không phải là con số nhỏ.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh cũng bày tỏ, bên cạnh yếu tố tâm lý của người lao động, việc áp dụng “3 tại chỗ” khiến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đội lên cao. Những điều này khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì kéo dài việc sản xuất “3 tại chỗ”.

Trước những khó khăn hiện hữu của doanh nghiệp, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đang được các cấp, các ngành tập trung triển khai, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã nhận hồ sơ đối với doanh nghiệp muốn vay vốn để trả lương cho lao động ngưng việc. Hoặc trả lương khi phục hồi sản xuất theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bên cạnh các chính sách trên, ngành ngân hàng đang tập trung triển khai và tháo gỡ các khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi hơn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tổ chức triển khai có hiệu quả cao nhất để thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hiện tổng dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo Thông tư 01 và Thông tư 03 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng với gần 400.000 khách hàng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận và xử lý 778/790 trường hợp khó khăn của doanh nghiệp được gửi về từ các sở ngành. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn thông qua tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với dư nợ 107.315 tỷ đồng cho 12.357 khách hàng…

Lên phương án thu hoạch, tiêu thụ nông sản mùa vụ

Nhiều địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội cũng đã khiến việc thu hoạch nông sản gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ lúa Hè Thu hiện đang thu hoạch rộ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các tỉnh thành lập các tổ máy gặt liên hợp. Các tổ máy này sẽ hoạt động và được di chuyển đến các vùng thu hoạch, tránh việc phải huy động đông người để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp với doanh nghiệp để thu mua, lưu trữ tại địa phương trong điều kiện di chuyển, vận chuyển khó khăn để đảm bảo thu mua cho nông dân. Các địa phương cũng cần tạo điều kiện và tổ chức thu hoạch tập trung, giám sát, phân luồng phương tiện cơ giới hoạt động thu hoạch thuận lợi.

Với sản phẩm trái cây, điển hình như nhãn đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang cử các doanh nghiệp liên hệ với các nhà vườn đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu. Tổ công tác cũng liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ doanh nghiệp trong thu mua và lưu thông với các giải pháp cụ thể.

“Đã có đơn vị đề xuất đưa quân đội vào hỗ trợ nông dân thu hoạch trái cây. Nhưng thực tế không thể được vì thu hoạch trái cây không giống như thu hoạch lúa. Trái cây xuất khẩu đòi hỏi kỹ năng thu hoạch và mỗi loại sản phẩm khác nhau. Nếu nhân công không chuyên nghiệp sẽ rất dễ bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch, không đảm bảo chất lượng sản phẩm”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Về việc tiêu thụ hàng nông sản, tại tỉnh Sóc Trăng, hôm nay (27/7), giá một số loại nông sản như chanh, cam, nhãn giảm; bưởi hiện nay tiêu thụ ổn định. Tại tỉnh Vĩnh Long, giá rau củ quả ổn định, giá khoai lang tím đã tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp; giá nhãn, mít Thái giảm nhẹ; giá thịt, cá, trứng có giảm nhẹ nhưng vẫn ổn định. Tình hình vận chuyển, lưu thông nông sản ở Vĩnh Long không gặp khó khăn.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh phía Nam có diện tích cây ăn quả ước đạt 693.000 ha, bằng 61% so cả nước; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm hơn 33% tổng diện tích cây ăn quả cả nước.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Cục đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam triển khai các chương trình, hoạt động đẩy mạnh bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, lương thực, thực phẩm để cung ứng kịp thời cho người dân tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Tại 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai mở mới điểm bán lưu động tại Đồng Nai, Vũng Tàu và sẵn sàng kịch bản để tiếp ứng cung cấp các điểm bán offline nếu các địa phương khác xảy ra tình trạng khan hiếm hàng nhu yếu phẩm.

Ngoài kênh offline, sàn thương mại điện tử Voso.vn (Viettel Post) cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nông sản tại Lâm Đồng, Bình Thuận và mở mới thêm các gian hàng phục vụ khu vực phía Nam nhằm cung cấp các loại rau củ quả tươi theo combo và trứng gia cầm.

Thảo Nguyên/TTXVN (Tổng hợp)
https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/quyet-khong-de-dut-gay-chuoi-san-xuat-cung-ung-hang-hoa-20210727210200232.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu