Thứ Năm, 09/01/2025 14:28 (GMT +7)

Quyết liệt khống chế, phòng chống dịch bệnh “kép” ở Khánh Hòa

Thứ 5, 07/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Phun thuốc diệt muỗi và lăng quăng khu vực bên ngoài tòa nhà nơi làm việc của bệnh nhân nhiễm virus Zika.
(Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Sau khi ghi nhận được ca nhiễm virus Zika đầu tiên, từ ngày 6/4, ngành y tế Khánh Hòa tiến hành phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy trên diện rộng ở vùng có nguy cơ lây truyền cao, sau đó tiếp tục triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

Ở thời điểm này, công tác giám sát, điều tra dịch tễ, diệt muỗi, bọ gậy là những biện pháp hiệu quả nhất để tỉnh này khống chế và phòng chống dịch bệnh “kép” do virus Zika và sốt xuất huyết.

Diệt 1 loại muỗi phòng được 2 bệnh

Theo các chuyên gia y tế, bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết là hai bệnh truyền nhiễm do virus, được lây truyền bởi muỗi vằn Aedes aegypti, loại muỗi phổ biến tại Việt Nam, trong đó Khánh Hòa nằm trong vùng trọng điểm đang lưu hành loại muỗi này với sự hiện diện của cả 4 type huyết thanh. Bởi vậy, diệt muỗi vằn Aedes aegypti vào lúc này là phòng chống được cả bệnh do virus Zika lẫn sốt xuất huyết.

Năm 2015, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận gần 9.200 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất kể từ năm 2004. Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh cũng có gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết.

Thời gian gần đây, tuy số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm so với những tháng cuối năm 2015 nhưng chưa bền vững, nguy cơ dịch bùng phát vẫn tiềm ẩn. Sở Y tế Khánh Hòa dự báo trong năm 2016, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh có thể bùng phát trở lại vào các tháng 6-7 và tháng 9-10, do thời gian này khí hậu rất thuận lợi cho muỗi vằn Aedes aegypti phát triển, trong khi nhiều chỉ số côn trùng lây truyền bệnh vẫn còn ở mức cao tại nhiều địa phương.

Cùng với sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika cũng đang có nguy cơ lây truyền rất cao ở Khánh Hòa mà nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do muỗi vằn Aedes aegypti đang lưu hành. Người đầu tiên ở Khánh Hòa bị nhiễm virus Zika được xác định chính là do muỗi đốt, tuy chưa rõ nguồn lây bệnh.

Bên cạnh đó, thành phố du lịch Nha Trang thu hút lượng lớn du khách đến tham quan nên việc giám sát, phát hiện bệnh do virus Zika từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh gặp khó khăn, nhất là khi 80% số ca nhiễm virus này không có triệu chứng.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết tỉnh Khánh Hòa là địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết. Việc có lưu hành muỗi vằn Aedes aegypti khiến bệnh do virus Zika có thể lây lan trong tỉnh và sang tỉnh khác. Biện pháp phòng chống dịch bệnh hữu hiệu nhất là cả người đã bị bệnh và không bị bệnh đều không để cho muỗi đốt, không hoang mang, mà chủ động diệt muỗi, bọ gậy để cắt đứt nguồn lây bệnh.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài, ngành y tế tỉnh đã tập trung các đội làm nhiệm vụ phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy trên địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao, trước tiên là ở các xã, phường của thành phố Nha Trang, sau đó thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh với tần suất diễn ra liên tục trong tháng Tư này.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh, tỉnh đã có sự chủ động ứng phó với dịch bệnh bằng tất cả các biện pháp nhằm khống chế, dập dịch, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do dịch bệnh gây ra, đồng thời bảo vệ sức khỏe người dân.

Để làm được điều này, ngành y tế Khánh Hòa đã và đang thực hiện quyết liệt các biệp pháp từ diệt muỗi, bọ gậy, điều trị, giám sát cho đến tăng cường truyền thông. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa có quy mô 70 giường bệnh hiện vừa thực hiện điều trị sốt xuất huyết, vừa điều trị bệnh do virus Zika.

Trước nguy cơ xảy ra dịch bệnh “kép,” bệnh viện đã bổ sung thêm giường bệnh, trang thiết bị y tế, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y tế…

Bác sỹ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa cho biết đơn vị duy trì làm vệ sinh môi trường và phun thuốc diệt muỗi xung quanh bệnh viện hai lần mỗi tuần. Những ca bệnh nghi nhiễm virus Zika đều được cách ly và lấy mẫu máu phục vụ xét nghiệm để xác định loại virus này. Bệnh viện cũng đã thành lập khu cách ly với 18 giường bệnh để tiếp nhận, điều trị cho những trường hợp nghi và bị nhiễm virus Zika.

Công tác giám sát, điều tra dịch tễ cũng được thực hiện đến tận cơ sở y tế ngoại trú, hộ dân nhằm không bỏ sót trường hợp bị nhiễm virus Zika.

Theo ông Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, đơn vị chủ động giám sát dịch bệnh, mua thêm sinh phẩm, tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế và làm xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus Zika. Những ca sốt xuất huyết âm tính sẽ được làm xét nghiệm để xác định virus Zika, còn dương tính thì loại bỏ. Việc làm xét nghiệm lưu ý nhất đến những trường hợp có triệu chứng bệnh nhẹ vì người bị nhiễm virus Zika thường có triệu chứng nhẹ, khi giám sát dễ bị bỏ qua.

Việc phòng chống bệnh do virus Zika từ bên ngoài xâm nhập vào tiếp tục được ngành y tế Khánh Hòa tăng cường, nhất là tại các cửa khẩu quốc tế. Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã trang bị ba máy đo thân nhiệt từ xa để phục vụ công tác kiểm dịch, có từ 4-5 kiểm dịch viên trực 24/24 giờ để tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời hành khách có nghi ngờ về bệnh để cách ly.

Tại các cảng hàng hải quốc tế trên địa bàn tỉnh, công giám sát, phòng chống bệnh do virus Zika cũng được thực hiện thường xuyên.

Bác sỹ Nguyễn Hoa Hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Khánh Hòa cho biết hành khách xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế đều được tầm soát nhiệt độ và quan sát thể trạng. Những trường hợp có vấn đề về sức khỏe đều được kiểm dịch, đánh giá. Nếu cần thì hành khách có thể được đưa đến bệnh viện để làm xét nghiệm.

Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự giác, chủ động thực hiện các biện phòng chống dịch bệnh, diệt muỗi, bọ gậy, ngành y tế Khánh Hòa còn tập trung theo dõi, tư vấn cho phụ nữ có thai trong ba tháng đầu về cách phòng chống bệnh do virus Zika./.

Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu