Thứ Hai, 20/01/2025 01:01 (GMT +7)

Rà soát để giảm giá và thời gian thu phí tại các trạm BOT

Thứ 6, 29/09/2017 | 11:28:00 [GMT +7] A  A

Chiều 28/9, tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ Quý IV do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, một trong những nội dung được quan tâm liên quan đến các dự án BOT, trong đó có vấn đề Bộ triển khai các kết luận thanh tra, kiểm toán các dự án BOT như thế nào; miễn giảm phí cho người dân quanh trạm thu phí BOT; đầu tư có đầu tư tiếp theo hình thức này nữa hay không?…

Trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Về vấn đề rà soát để giảm giá, thời gian thu phí đối với các trạm thu phí BOT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện Tổng cục đang thực hiện kế hoạch rà soát 54 trạm thu phí. Đã có 10 trạm được Bộ chấp thuận giảm giá. Thêm 3 trạm đã thống nhất với nhà đầu tư, đang báo cáo Bộ xem xét quyết định.

“Tổng cục đã đàm phán công khai với nhà đầu tư dựa trên nguyên tắc lưu lượng, thời gian và theo số liệu quyết toán. Với các trạm còn lại, Tổng cục đã lên kế hoạch đàm phán, cơ bản đến 30/10/2017 sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xử lý”, ông Huyện cho hay.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, việc rà soát các dự án BOT là một quá trình và việc rà soát sẽ phải liên quan đến việc xem xét bất cập tại từng trạm một.

“Chúng tôi rà soát toàn bộ vị trí 88 trạm, trong đó có 73 trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Trong số này có 3 trạm vị trí nằm ngoài phạm vi xây dựng dự án, đó là trạm: Tào Xuyên, Cầu Rác và Bắc Thăng Long – Nội Bài. Có 6 dự án đặt trạm trên tuyến chính, nâng cấp cải tạo tuyến chính và đặt trạm trên tuyến tránh tương tự như trạm Cai Lậy”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, Hợp đồng BOT là hợp đồng ký giữa 2 bên là Bộ (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và nhà đầu tư nhưng đồng thời cũng liên quan đến Hợp đồng vay tín dụng với các tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại) nên khi đàm phán phải đạt được sự đồng thuận của cả 3 bên. Đối với chi phí giảm do chi phí xây dựng giảm sau quyết toán, ông Huy cho biết Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo theo hướng ưu tiên giảm giá. Sau khi giảm phí cho người dân quanh trạm xong, vẫn còn dư địa thì tiếp tục giảm giá.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bên cạnh những lợi ích và hiệu quả mang lại cho xã hội và người dân, qua thực tiễn, Bộ giao thông Vận tải cũng đã nhìn nhận rõ một số bất cập nhất định của các dự án BOT, nhất là các dự án làm trên đường hiện hữu, hình thức thu phí hở trên quốc lộ chưa tạo công bằng cho người dân khu vực sinh sống gần trạm BOT…

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề cập nhiều “bài học kinh nghiệm” đối với BOT thời gian qua như: Hệ thống văn bản pháp luật chưa đầy đủ, hợp đồng mẫu chưa có, đánh giá tác động của xã hội chưa hết, một số đơn vị tư vấn tính toán chưa đúng khiến cho khi quyết toán, kiểm toán phải thay đổi phương án tài chính…

Ông Đông khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về BOT. Với các sai phạm đã được nêu ra sau trong thanh tra, kiểm toán, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện xem xét thực hiện. “Xử lý trách nhiệm cá nhân chắc chắn sẽ có, khi nào xong, chúng tôi sẽ công khai”, ông Đông nói.

Để khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải đã dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân và chủ phương tiện có sự lựa chọn. Trường hợp dự án cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải làm thận trọng, trên cơ sở hoàn thiện các văn bản pháp luật cùng sự tham vấn rộng rãi ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu quốc hội, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng.

Quang Toàn (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu