4
5
Xã hội/
/xa-hoi
64738
48915
Rà soát lại số lượng lao động tại các tập đoàn, tổng công ty
ra-soat-lai-so-luong-lao-dong-tai-cac-tap-doan-tong-cong-ty
news
Long An| 30°C / 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 10:09 (GMT +7)

Rà soát lại số lượng lao động tại các tập đoàn, tổng công ty

Thứ 4, 18/01/2017 | 10:22:00 [GMT +7] A  A

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. (Nguồn: TTXVN/Vietnam )

Ngày 17/1, làm việc với Kiểm toán Nhà nước về công tác tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, kiểm toán gắn với trách nhiệm báo cáo và giải trình của Chính phủ về sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước, vì vậy hoạt động của Chính phủ với Kiểm toán Nhà nước gắn bó mật thiết và chặt chẽ với nhau.

Xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thiếu chính xác, làm giảm giá trị tài sản được định giá

Báo cáo về thực hiện Đề án “tái cơ cấu và xác định giá trị của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015” của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, giai đoạn này cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và cải thiện thu nhập của người lao động. Số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo giá trị sổ sách đã được thoái là 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp về SCIC chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp chưa cao.

Qua kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp tại 7 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy việc định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành và làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.

Đặc biệt là những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán. Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm tại 6 doanh nghiệp theo phương pháp tài sản là: 4.625,4 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 440 tỷ đồng; Công ty mẹ – Tổng công ty Lương thực Miền Nam 393 tỷ đồng; Công ty mẹ – Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp 1.333 tỷ đồng; Công ty mẹ – Tổng công ty Điện lực Dầu khí 2.050 tỷ đồng; Công ty Truyền hình cáp Saigontourist – SCTV 140 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam – VTVCab 267,7 tỷ đồng.

Theo tổng hợp chưa đầy đủ, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tổng hợp 258 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính 35.931 tỷ đồng, tăng cao so với các năm trước. Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Cũng qua công tác kiểm toán, đã kiến nghị bịt các lỗ hổng về cơ chế, chính sách, sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản không còn phù hợp đồng thời, đã kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng trăm tập thể và cá nhân đối với những tồn tại, sai phạm. Chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.

Tại buổi làm việc, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ và các Bộ nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và ngăn ngừa thất thoát nguồn lực nhà nước.

“Bịt” nhiều “lỗ hổng” pháp luật, thu hồi vốn nhà nước

Đánh giá cao kết quả kiểm toán công tác tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vướng Đình Huệ khẳng định qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị “bịt” nhiều “lỗ hổng” pháp luật, thu hồi vốn nhà nước và tăng hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Nhấn mạnh trong giai đoạn 5 năm tới phải đẩy mạnh hơn công tác cán bộ trong doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định cổ phần hóa chỉ là phương tiện, không phải là mục đích.

“Mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có vấn đề quản trị và nhân sự,” Phó Thủ tướng nói và đề nghị Kiểm toán Nhà nước quan tâm hơn đến vấn đề này.

“Cần rà soát lại số lượng lao động tại các tập đoàn, tổng công ty. Năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh thấp là do số lượng người quá mức cần thiết,” Phó Thủ tướng nêu.

Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng là sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa và cam kết của nhà đầu tư theo những quy hoạch về đất đai. Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu sâu thêm về vấn đề sắp xếp tài sản trước cổ phần hóa và sau cổ phần hóa sử dụng đất đai như thế nào, từ cơ chế tài chính đến việc trả tiền thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện mới cổ phần hóa được 8% vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng không phải chỗ nào cũng bán và bán bằng mọi cách, mọi giá. Có những phần vốn nhà nước cần phải nắm giữ và giữ cũng phải “ra tấm, ra món”, xây dựng thành tập đoàn, thương hiệu mạnh, có tính cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Xu hướng là số lượng doanh nghiệp nhà nước, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước có thể giảm bớt nhưng hiệu quả phải tăng lên và doanh nghiệp nhà nước phải mạnh lên.

Phó Thủ tướng mong muốn Kiểm toán Nhà nước bám sát hơn nữa chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, không chỉ là vấn đề hậu kiểm mà tập trung nhiều vào tiền kiểm, nhất là dự toán ngân sách nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 07 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn bền vững nợ công, trong đó có nội dung quan trọng căn bản là đổi mới dần cách thức lập dự toán ngân sách nhà nước. Tránh tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu mà ngân sách địa phương liên tục tăng thu.

Chỉ rõ “căn bệnh” lập dự toán đầu tư nghe rất thuyết phục, đầu ra cao, đầu vào thấp nhưng đến khi làm lại ngược lại, hay, làm dự án rất nhanh, nhưng thực hiện đầu tư thì rất chậm, yếu kém trong khâu lập dự án, tổ chức thực hiện đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước mở rộng việc kiểm toán từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đầu tư, có cảnh báo sớm cho cơ quan quản lý nhà nước./.

CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu