Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 21:49 (GMT +7)
Rà soát, lên phương án hỗ trợ lao động Việt Nam tại Qatar
Thứ 5, 15/06/2017 | 10:21:00 [GMT +7] A A
Trước tình hình căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước vùng Vịnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang tiến hành rà soát số lao động đang làm việc tại Qatar để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, hiện có khoảng 1.800 lao động đang làm việc tại Qatar, trong đó số lao động phái cử qua các công ty xuất khẩu lao động trong nước gửi sang khoảng 1.100 người. “Tôi đã trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Hoằng về tình hình lao động đang làm việc tại Qatar. Đại sứ yêu cầu tập hợp sớm danh sách người lao động, số hộ chiếu, địa chỉ làm việc để trong trường hợp cần thiết được hỗ trợ. Đại sứ cũng đề nghị thông tin thống nhất, tránh gây hốt hoảng cho thân nhân và lao động đang làm việc tại Qatar”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết.
Đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Về phía Bộ LĐTBXH cũng đang khẩn trương chuẩn bị các phương án hỗ trợ lao động Việt Nam tại Qatar. Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Cách đây khoảng 1 tuần, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại Qatar. Đồng thời, Cục cũng thường xuyên trao đổi thông tin với Bộ Ngoại giao và Đại sứ và cũng đã lên phương án xấu nhất để đưa lao động về nước. Vấn đề này chúng ta cũng đã có kinh nghiệm 2 lần đưa lao động về nước từ Libi vào năm 2011 và 2014”.
“Con số thống kê 1.800 lao động tại Qatar là số liệu báo cáo ban đầu của doanh nghiệp và công tác cộng đồng, nhưng cụ thể là ai, đang làm việc ở đâu thì các doanh nghiệp phải rà soát cụ thể. Do đó, với tình hình như hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang yêu cầu các doanh nghiệp có lao động tại Qatar rà soát địa điểm chính xác người lao động đang làm việc và tổng hợp số người lao động, tên tuổi, số hộ chiếu, điện thoại… để có phương án đưa về trong trường hợp xấu nhất.
Các doanh nghiệp phải rà soát thực tế, đề phòng trường hợp khẩn cấp để di tản như với lao động ở Libi. Bộ LĐTBXH cũng đã có văn bản chỉ đạo 2 cán bộ đại diện quản lý lao động của Bộ tại Ảrập Xêút và Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (do Bộ LĐTBXH không có cán bộ quản lý tại Qatar) phải phối hợp chặt chẽ với đại sứ quán tại Qatar nắm sát tình hình để có thể xử lý kịp thời”, ông Tống Hải Nam cho biết.
Dù đang bị cô lập về ngoại giao nhưng Qatar là nước có thu nhập cao nhất thế giới nên chưa bị ảnh hưởng về kinh tế và theo thông tin nắm được lao động chưa bị ảnh hưởng bởi cấm vận ngoại giao.
Lao động Việt Nam làm việc cho các nhà thầu các nước thứ 3 mà ở chủ yếu từ nhà thầu các nước phát triển như Hy Lạp, Hà Lan, Đức… nên chủ sử dụng lao động của những công ty đó phải có trách nhiệm. Tại các nước trên, vấn đề bảo hộ công dân, quyền và lợi ích người lao động được đảm bảo về đời sống tinh thần, điều kiện làm việc.
Qua thông tin nắm bắt ban đầu từ người lao động tại Qatar, tình hình việc làm, sinh hoạt của lao động Việt Nam vẫn được đảm bảo bình thường, chưa có biến động của nước sở tại. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng đang theo dõi sát tình hình và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phối hợp với đối tác và chủ sử dụng tăng cường công tác quản lý người lao động tại nơi làm việc và nơi ở; đồng thời khuyến cáo người lao động giữ liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar, công ty phái cử lao động để được hướng dẫn khi có tình hình mới, tuyệt đối tuân thủ pháp luật nước sở tại và nội quy của công ty sử dụng lao động.
Trường hợp cần sự hỗ trợ, người lao động có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar (điện thoại: 00974 4412 8480, 00974 4412 8365, 00974 4412 8366), hoặc theo đường dây nóng 0084 98 7476 466, 0084 90 4240 468 hoặc 0084 4 39366633 của Cục Quản lý lao động ngoài nước. |
XC/ Báo Tin Tức
Ý kiến ()