Thứ Hai, 20/01/2025 01:01 (GMT +7)

Rủi ro BOT cầu Phú Mỹ: Khi chính quyền phải trả nợ thay cho nhà đầu tư

Thứ 5, 28/09/2017 | 09:15:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Những bất cập, nghịch lý của các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đang khiến dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt dự án là BOT cầu Phú Mỹ.

Không ai phủ nhận sự đóng góp của các dự án BOT trong phát triển hạ tầng, thế nhưng, do việc thực hiện các dự án này không minh bạch, xuất hiện lợi ích nhóm… đã làm méo mó chủ trương thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư BOT giao thông.
rui ro cua du an bot khi chinh quyen phai tra no thay cho nha dau tu hinh 1
Cầu Phú Mỹ. Ảnh TN.

Ở nhiều dự án, chính sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm quản lý đã nảy sinh những rủi ro mà cuối cùng nhà nước phải gánh chịu. Câu chuyện về dự án BOT Cầu Phú Mỹ – TP.HCM là một ví dụ.

Năm 2004, UBND TP. HCM đã phê duyệt cho dự án đầu tư, xây dựng cầu Phú Mỹ theo hình thức BOT. Đây là cây cầu quan trọng nối quận 7 với quận 2 của TP. HCM, dự án có tổng mức đầu tư là 1.806 tỉ đồng với thời gian thu phí hoàn vốn là 26 năm. Trong đó vốn vay ngân hàng nước ngoài do UBND TP. HCM bảo lãnh. Nhưng do chậm tiến độ nên dự án đã đội vốn lên gần 3.000 tỷ đồng.

Điều lạ lùng là năm 2009, cầu Phú Mỹ đi vào khai thác, thế nhưng trong hai năm đầu vận hành, khai thác, dự án đã ba lần không trả được nợ và UBND TP. HCM buộc phải cho chủ đầu tư vay tiền để trả nợ. Đáng nói, qua nhiều lần đề xuất vay thêm hoặc giãn nợ…thì đến đầu năm 2015, Chủ đầu tư BOT Cầu Phú Mỹ tuyên bố không có khả năng trả nợ cho dự án và UBND TP. HCM lại buộc phải tiếp tục trả nợ cho ngân hàng với khoản tiền đã vay còn nợ khoảng 1.370 tỷ đồng, trả dần đến năm 2020 với mỗi năm trả 280 tỷ đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia giao thông, chính sự kéo dài tiến độ dự án và những bất cập trong cơ chế bảo lãnh cũng như những cam kết giữa chủ đầu tư và nhà nước chưa thực sự đạt yêu cầu nên việc “vỡ nợ” là điều khó tránh.

Tiến sĩ Hà Ngọc Trường – Phó Chủ tịch Hội Cầu – Đường – Cảng TP. HCM cho rằng, tồn tại tài chính của dự án cầu Phú Mỹ nằm ở chỗ các bên không tuân theo Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Nhà nước. Đặc biệt là khâu quản lý hợp đồng BOT gần như bỏ trống, cơ quan tham mưu giúp việc trực tiếp cho UBND TP.HCM là Sở Giao thông Vận tải đã không kiểm soát, giám sát kịp thời.

rui ro cua du an bot khi chinh quyen phai tra no thay cho nha dau tu hinh 2
Cầu Phú Mỹ là một trong những công trình giao thông BOT đầu tiên của nước ta. Ảnh CTV.

Không thể nào một dự án đã thi công xong, đến giờ chưa dứt khoát về tổng mức đầu tư, trong khi theo Nghị định của Chính phủ về quản lý hợp đồng BOT, chỉ trong vòng 6 tháng sau khi hoàn thành là phải quyết toán chứ không phải 4 năm còn nói về tổng mức đầu tư.

“Trong quá trình thực hiện thì thời gian tính toán với thời gian thu phí và nhiều vấn đề phát sinh, thành ra nó kéo dài, kéo dài đến mức nhà đầu tư bức xúc mà không hoàn trả được nợ cho ngân hàng bên kia”, Tiến sĩ Hà Ngọc Trường nói.

Một trong những cam kết căn bản ở dự án BOT cầu Phú Mỹ chính là TP. HCM sẽ hoàn thành tuyến đường nối từ cảng Cát Lái vào cầu Phú Mỹ. Thế nhưng, cho đến thời điểm này tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành và theo ghi nhận của chúng tôi đây là tuyến đường thường xuyên ùn tắc, ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông qua cầu Phú Mỹ và đương nhiên ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, rủi ro của dự án BOT Cầu Phú Mỹ có nguyên nhân từ việc không thực hiện đúng cam kết giữa nhà nước và chủ đầu tư như ban đầu.

“Hai điều kiện cơ bản để thực hiện dự án đối tác công tư thành công, hiệu quả đó là năng lực của cơ quan quản lý và sự minh bạch. Minh bạch cả trong quá trình đấu thầu và trong quá trình thực hiện dự án. Chúng ta nói ở đây là TP.HCM phải gánh nợ thay có lý do là không lường trước được những rủi ro dẫn đến tình trạng hiện nay”, TS Huỳnh Thế Du phân tích.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du khuyến cáo, Nhà nước nên chuyển dần về hình thức hợp tác công- tư (PPP) thay vì làm BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) trong nước hiện nay.

rui ro cua du an bot khi chinh quyen phai tra no thay cho nha dau tu hinh 3
Việc kết nối cầu với đường dẫn chưa hoàn thiện nên hàng ngày cầu Phú Mỹ luôn bị kẹt xe kéo dài. Ảnh CTV.

Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố những sai phạm của dự án BOT Cầu Phú Mỹ, tại buổi họp báo sau đó, UBND TP. HCM đã cho rằng, chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT ở dự án cầu Phú Mỹ là đúng, tuy nhiên, do thời kỳ đó hình thức này còn mới nên không tránh khỏi sai sót cũng như không dự báo trước những hệ lụy, rủi ro.

Theo ông Bùi Xuân Cường– Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM: Đây là cả một quá trình, có những nội dung Thanh tra Chính phủ tiếp thu, có những kết luận vẫn giữ lại, theo Thanh tra Chính phủ thì nguyên nhân có những thiếu sót, vướng mắc như vậy là do văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dự án BOT, BT còn chưa đầy đủ, chậm ban hành và thành phố sớm đầu tư BT, BOT so với các địa phương khác nên các cán bộ thực hiện vẫn còn lúng túng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc sai phạm trong các dự án BOT của TP.HCM, trong đó có dự án BOT Cầu Phú Mỹ, UBND TP.HCM phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là TP.HCM sẽ giải quyết những rủi ro này như thế nào để có thể phát huy hiệu quả của cây cầu này, chứ không thể vừa đưa tiền ngân sách đi trả nợ thay, vừa hàng ngày, người dân vẫn phải chấp nhận chuyện ùn tắc ở đường dẫn vào cầu như hiện nay.

Dự án cầu Phú Mỹ có tổng vốn ban đầu được UBND TP. HCM phê duyệt là 1.806 tỉ đồng (năm 2004).Trong quá trình thiết kế kỹ thuật, UBND TP. HCM yêu cầu điều chỉnh tăng cấp động đất từ cấp 6 lên cấp 7, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ (PMC) đề xuất bổ sung điều chỉnh vốn lên 2.176 tỉ đồng. Sau khi các cơ quan chức năng của thành phố thẩm tra xem xét, vào tháng 4/2007, UBND TP. HCM ra quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư xây cầu Phú Mỹ lên 2.077 tỉ đồng.

– Gần một năm rưỡi sau khi cầu Phú Mỹ khánh thành, tháng 2/2011 Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thông báo kết quả thẩm tra dự toán tổng mức đầu tư cầu Phú Mỹ là 3.293 tỉ đồng. Cũng trong năm 2011, các sở của TP. HCM lại đưa ra các con số khác nhau về tổng mức đầu tư. Sở Xây dựng tính toán tổng mức đầu tư là 2.941 tỉ đồng, Sở Kế hoạch – đầu tư là 2.382 tỉ đồng, còn Sở Giao thông vận tải là 1.873 tỉ đồng (chưa tính thuế, trượt giá ngoại tệ, lãi vay).

– Sau đó, UBND TP. HCM tiếp tục giao cho cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán. Đến tháng 5/2013, đơn vị kiểm toán xác định tổng mức đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ là 3.250 tỉ đồng.

Phi Long/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu