Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 28/12/2024 17:56 (GMT +7)
Rượu bia không xấu mà cách sử dụng của con người mới làm xấu rượu bia
Thứ 5, 16/02/2017 | 11:31:00 [GMT +7] A A
Tại Hội thảo Văn hóa uống và an toàn thực phẩm trong ngành đồ uống có cồn ngày 15/2, các chuyên gia cho rằng hiện có tâm lý đổ lỗi cho rượu bia gây ra bệnh tật và tai nạn giao thông, trong khi văn hóa uống rượu bia – yếu tố quan trọng lại chưa được quan tâm đúng mức.
Hội thảo do Diễn đàn Uống có trách nhiệm, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát tổ chức. Tại hội thảo, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, văn hóa uống rượu bia đã có từ rất xa xưa và đồng hành cùng sự phát triển của loài người. Rượu bia không xấu mà cách sử dụng của con người mới làm xấu rượu bia.
“Chúng ta phải định lượng ngưỡng để phân biệt rượu bia là văn hóa hay là chất độc hại. Nhận thức về vấn đề này phải thay đổi để quản lý hiệu quả thay vì cấm đoán”, nhà sử học nhận định.
Hội thảo thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia văn hóa, dinh dưỡng và các nhà quản lý
Trên phương diện quản lý nhà nước, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho rằng, ngành sản xuất rượu bia trong nước thời gian qua đã không ngừng phát triển và đáp ứng được nhu cầu trong nước, thậm chí còn xuất khẩu.
Các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian qua áp dụng với rượu đã khiến sản xuất rượu trong nước chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, rượu lậu lại gia tăng. Theo ông Dũng, cung giảm trong khi cầu không giảm thì sẽ kích thích buôn lậu.
Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ giúp quản lý rượu sản xuất công nghiệp ở những cơ sở đã được nhà nước cấp phép. Còn rượu sản xuất thủ công, vốn đang chiếm lĩnh thị trường, lại chưa được kiểm soát. Trong khi đây mới là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc rượu, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua.
Theo các chuyên gia, uống bia rượu ở một mức độ nhất định thì sẽ có tác dụng tốt đến sức khỏe. Còn lạm dụng rượu bia, uống không kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe chính mình và gây hại cho xã hội.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ, Bộ Công Thương dẫn chứng những vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người thời gian qua chủ yếu là do uống quá nhiều, tự hủy hoại sức khỏe của mình. “Uống kiểu đó thì uống nước lọc cũng chết chứ đừng nói là rượu”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cho biết thêm, bản thân người dân uống nhiều rượu và điều khiển giao thông thì chính họ đã vi phạm luật giao thông chứ không đợi đến khi gây ra tai nạn mới đổ lỗi cho bia rượu.
Đồng tình với ông Dũng, ông Cường đề nghị cơ quan quản lý cần chú trọng đến rượu tự nấu của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở nông thôn. Nếu không có những sản phẩm rượu sản xuất công nghiệp an toàn thay thế thì “rượu quê”, rượu tự nấu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường và không thể quản lý xuể.
Theo số liệu của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, năm 2016, sản lượng bia đạt hơn 3,7 tỷ lít; trong khi sản lượng rượu đạt 70 triệu lít (tổng sản lượng thực ước đạt 342 triệu lít gồm cả rượu tự nấu). Theo Hiệp hội, rượu công nghiệp ít có cơ hội phát triển thêm do sức ép từ rượu tự nấu và những khó khăn từ mặt chính sách.
Hiệp hội kiến nghị cần tăng cường truyền thông về văn hóa uống tới người tiêu dùng; xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn, đặc biệt kiểm soát rượu trôi nổi, mất an toàn thực phẩm.
Ý kiến ()