“Sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam”- đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam tổ chức tại thành phố Lào Cai mới đây.
Lần đầu tiên, lễ hội sâm với tên gọi “Huyền thoại Ngọc Linh” được tổ chức nhằm quảng bá, đánh giá công tác bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc biệt quý hiếm tại thủ phủ của cây sâm- huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Người dân bản địa Xê Đăng ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam gọi sâm Ngọc Linh là cây thuốc giấu, là “thần dược”. Bởi, sâm Ngọc Linh có những đặc tính kỳ diệu giúp cho họ đủ sức khỏe sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt hàng nghìn năm qua.
Các bộ phận từ thân, lá, củ, hạt đều được thương lái săn lùng tìm mua với giá cao ngất ngưởng. Riêng củ sâm Ngọc Linh còn tươi tại vườn sâm gốc giá dao động từ 100 đến 500 triệu đồng/1 kg tùy vào độ tuổi.
Gắn bó với cây sâm gần 40 năm qua, ông Hồ Văn Du ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My hiện đang sở hữu vườn sâm với hơn 30.000 cây, trị giá hơn 100 tỉ đồng. Ông Du cho biết, 1 héc-ta rừng trồng sâm xen kẽ dưới tán lá sau 5 đến 7 năm sẽ thu về 30-60 tỉ đồng.
“Sâm là cây thuốc rất quý, rất có giá trị. Nếu người dân tự biết, yêu sâm thì sẽ xóa đói giảm nghèo”, ông Du chia sẻ.
Sâm Ngọc Linh là loài thảo mộc sống cộng sinh giữa đại ngàn. Cây sâm dựa vào tán lá rừng để tránh cái nắng gay gắt, tận dụng môi trường trong lành của rừng để tích tụ dược chất quý hiếm và dựa vào thảm thực bì để bám rễ sinh tồn, phát triển.
Mở rộng vùng trồng sâm đồng nghĩa mở rộng phạm vi bảo vệ rừng tự nhiên một cách nghiêm nghặt. Đồng bào các dân tộc thiểu số Xê đăng, Ca dong ở huyện Nam Trà My, vùng sâm quanh núi Ngọc Linh luôn ý thức bảo vệ rừng. Họ đặt ra luật riêng để phạt nặng những ai chặt phá đốt rừng làm nương rẫy.
Trên thế giới cũng có nhiều loại sâm quý như: sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Nhật… với tính năng bổ dưỡng sức khỏe được nhiều người tin dùng. Thế nhưng sâm Ngọc Linh là trường hợp đặc biệt.
Theo các nhà khoa học quốc tế đánh giá, trong củ, thân và lá sâm Ngọc Linh có chứa hàm lượng vi chất Saponin rất đa dạng, có tính năng vượt trội so với các loại sâm khác. Nó không chỉ tăng cường sinh lực mà còn tham gia hiệp lực với các loại thảo dược khác, chữa được nhiều bệnh nan y.
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Trần Công Luận người bỏ công 30 năm nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh khẳng định, sâm Ngọc Linh bây giờ được xếp vào một trong 5 họ sâm đặc hữu quí hiếm có giá trị bậc nhất của thế giới.
Phó Giáo sư Luận nói: “Không có một loài sâm nào trên thế giới cho tới bây giờ mà lại có thành phần hợp chất Saponin- thành phần quyết định tác dụng sinh học cao trong nhân sâm nói chung, chiếm số lượng lớn như vậy. Cho đến bây giờ thì đã phân lập và xác định được cấu trúc đến 52 hợp chất saponin có ở trong cây sâm phần dưới mặt đất tức là rễ, củ của sâm Việt Nam”.
Đề án Quốc gia về bảo tồn và phát triển sâm gốc Ngọc linh đã được Chính phủ chấp thuận. Tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My cũng sớm ban hành nhiều cơ chế cởi mở, thông thoáng về môi trường trồng sâm, về vốn vay ưu đãi, cây giống… đã được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia.
Hàng chục ngàn héc-ta rừng nguyên sinh giờ đã có chủ, được bảo vệ nghiêm ngặt. Tại huyện Nam Trà My, hàng ngàn hộ dân đã liên kết thành những nhóm, tổ xây dựng hàng trăm vườn trồng sâm dưới đại ngàn.
Sức quyến rũ của sâm Ngọc Linh cùng cơ chế mở của địa phương cũng thu hút nhiều doanh nghiệp lặn lội lên Nam Trà My tìm cơ hội liên kết đầu tư. Hiện có 6 doanh nghiệp được tỉnh cho phép khảo sát trên diện tích hơn 1.500 héc-ta môi trường rừng và sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng chỉ để trồng sâm. Đồng thời cam kết sẽ liên doanh xây dựng nhà máy chế biến ngay tại vùng Ngọc Linh để làm tăng chuỗi giá trị, đủ sức canh tranh ra thị trường.
Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký các Hội Sinh học Việt Nam cho biết: “Chúng ta phải chọn những doanh nghiệp tốt, các doanh nghiệp có tiềm năng phối hợp với bà con mình thực hiện thì chắc chắn sâm Ngọc Linh không chỉ nổi tiếng ở đất nước chúng ta mà cả thế giới”.
Trong chuyến công tác tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My trong việc gìn giữ nguồn gen đặc hữu quý hiếm của sâm Ngọc Linh.
“Trồng và phát triển sâm Ngọc Linh ở dưới tán rừng vừa góp phần tạo giá trị gia tăng rất cao, phát triển đời sống. Đồng thời giúp bảo vệ môi trường, giữ gìn tán rừng đảm bảo độ che phủ. Thông qua đó chúng ta có được giải pháp hết sức quý báu trong phát triển một cách bền vững”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ để khẳng định danh tiếng và chất lượng của sâm Ngọc Linh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Đây sẽ là bước đột phá giúp cho “báu vật” trên đỉnh Ngọc Linh có vị trí ngang tầm với các dòng sâm quý trên thế giới./.
Ý kiến ()